Cứu đói và diệt dốt

09:08, 29/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngay sau ngày tuyên bố Độc lập 2.9.1945, có hai vấn đề cấp thiết mà chính phủ Cụ Hồ Chí Minh đặt ra và tìm phương án giải quyết ngay: Đó là cứu đói và diệt dốt.
 
Nạn đói kinh khủng năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam do phát xít Nhật gây ra đã làm chết đói 2 triệu người Việt Nam. Hơn 90% dân số Việt Nam lúc bấy giờ bị mù chữ. Không có gạo ăn thì chết đói, nhưng không biết chữ, đói hiểu biết thì có thể hủy hoại cả một dân tộc, đưa dân tộc vào cảnh tối tăm, không đường ra. Vì vậy, cứu đói là việc cấp bách đầu tiên phải làm. Và cụ Nguyễn Văn Tố, được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, đã tổ chức làm rất tốt việc này. 
 
“Diệt giặc dốt” bây giờ là thực học, là tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người được tiếp cận kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. Ảnh: Internet
“Diệt giặc dốt” bây giờ là thực học, là tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người được tiếp cận kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. Ảnh: Internet
 
Những “hũ gạo cứu đói” đã phát triển đồng loạt trong cả nước, người dân trong cả nước thực sự nhường cơm xẻ áo cho nhau. Bản thân Bác Hồ cũng có hũ gạo cứu đói để tiết kiệm phần gạo ăn hằng ngày của mình giúp nhân dân bị đói. Truyền thống ấy đang được phát huy cho tới ngày nay, trong đại dịch Covid-19.
 
Còn “diệt dốt”, việc này còn khó làm hơn và phải làm trường kỳ hơn, nhưng Chính phủ Hồ Chí Minh mà cụ Nguyễn Văn Tố là Bộ trưởng trực tiếp phụ trách việc “diệt giặc dốt” cũng đã làm rất tốt. Nha Bình dân học vụ được thành lập, những lớp bình dân học vụ được mở ra trong cả nước. Người người thi đua đi học, nhà nhà bảo nhau cùng học, cả nước dấy lên phong trào xóa nạn mù chữ, với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”. Vì yêu nước, người dân Việt Nam có thể làm tất cả mọi điều tốt đẹp, coi việc học không chỉ là nghĩa vụ, mà là vinh dự, là quyền lợi của một người dân trong quốc gia độc lập.
 
Bây giờ, khi dân sinh được cải thiện, dân trí tăng lên rất nhiều, thì hai khái niệm “đói” và “dốt” cũng ở cấp độ khác. “Đói” bây giờ, ngay trong đại dịch Covid-19, là những người lao động bị mất việc hay thu nhập thấp hẳn so với bình thường, là những doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản hoặc hoạt động quá khó khăn, là những người neo đơn bệnh tật không sinh kế, là những đứa trẻ mồ côi cần được cưu mang giúp đỡ... 
 
Còn “dốt” bây giờ không phải là không biết chữ, mà là không có điều kiện thụ đắc kiến thức mới, không làm chủ được công nghệ, chỉ nói “thời 4.0” mà không hiểu thực chất của nó là gì. Dốt bây giờ là một khái niệm được mở rộng, tới cả những người có bằng cấp, thậm chí bằng cấp cao, nhưng lại làm khoa học “ảo”, viết (hoặc mua) những công trình khoa học “dỏm” nhằm tính điểm, chứ không tính đến khả năng khả dụng. Đó thực chất cũng là dốt, dù “dốt” ở “cấp độ” cao hơn.
 
Vì vậy, “xóa đói giảm nghèo” bây giờ là tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và không "để ai bị bỏ lại phía sau”, nghĩa là mất cơ hội để phát triển, để tự mình mang lại thu nhập chính đáng cho mình. Còn “diệt giặc dốt” bây giờ là thực học, là tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người được tiếp cận kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới trên diện rộng và “thực nghiên cứu khoa học” cho những ai đã có bằng cấp, để họ tìm thấy động lực trong sáng tạo, tìm tòi thực chất những kiến thức đóng góp cho xã hội phát triển.
 
Trí thức ngày nay lại không chỉ dành cho những người có bằng cấp, mà dành cho tất cả những ai sáng tạo, những ai đóng góp thực chất về chất xám, những ai trở thành tấm gương thụ đắc và lan tỏa tri thức cho cộng đồng. Và khái niệm “tri thức” còn dành cho những ai có tấm lòng nhân ái, biết thương yêu và lo nghĩ cho những người nghèo khổ bất hạnh trong xã hội. Đại dịch Covid-19 đã làm bật lên những tấm gương bình dị của những người thực sự có tri thức, thực sự có tấm lòng vì cộng đồng.
 
Những ai đang sống bám vào nhà nước nhờ những bằng cấp không thực chất, những công trình khoa học “ảo”, những kiến thức giả hiệu nên nghiêm túc nhìn lại mình để thay đổi. Những tấm gương của những con người thực sự tri thức, thật sự vì cộng đồng ngay trong đại dịch này có thể giúp họ thay đổi, để trở thành những trí thức thật sự. Học tập là công việc phải thực hiện suốt đời, ngay khi đã có đủ bằng cấp. Thậm chí, đã có danh vọng.   
 
 THANH THẢO
 
 
 

.