Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Vùng Tây Nguyên:
Đồng lòng vượt qua thách thức

10:07, 19/07/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 18/7, tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung và Vùng Tây Nguyên về tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển KT-XH và giải quyết các kiến nghị của địa phương.

Tăng trưởng 6 tháng đạt thấp

6 tháng qua, các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên có nhiều cố gắng, nhất là quyết tâm không để COVID-19 lây lan nhưng ngoài 3 tỉnh tăng trưởng âm thì các tỉnh còn lại tăng trưởng đạt thấp. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân cả nước. 

Theo Bộ Kế hoạnh và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là Đà Nẵng (giảm 3,61%) tỉnh Quảng Nam (giảm 11,51%) và Khánh Hòa (giảm 12,02%).
 
Các tỉnh Tây Nguyên 6 tháng đầu năm tăng trưởng GRDP đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các vùng kinh tế trọng điểm, không địa phương nào trong vùng có tốc độ tăng trưởng âm.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam đã kiểm soát được dịch Covid-19, với hơn 3 tháng không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Những tháng qua, cả nước cùng đồng lòng thực hiện các mục tiêu phòng chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với sự kiên trì, liên tục của cả hệ thống chính trị nên đạt được kết quả khả quan.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mức tăng trưởng 1,81%. Đây là con số thấp nhất của nước ta trong 10 năm qua, nhưng là cao nhất trong khu vực và trên thế giới do tác động của Covid-19. Trong thiệt hại chung của cả nước do Covid-19, thiệt hại ở các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên rất lớn. 
 
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên,cần nhanh chân hơn, tiến bước hợp tác cùng nhau phát triển. Đặc biệt, vực dậy các loại hình kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Chính quyền cùng hòa chung hơi thở, nhịp đập, cùng một tiếng nói để giải quyết tốt việc làm, tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin cùng phát triển trong lúc thế giới và đất nước đang gặp khó khăn.
 
Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc giải ngân vốn đầu tư công của các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên rất thấp. Do đó, yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và Tây Nguyên phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư ở địa phương để tăng giải ngân vốn đầu tư công.
 
Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Tại cuộc làm việc, các tỉnh, thành phố đưa ra 102 kiến nghị, bao gồm nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách (35 kiến nghị); nhóm kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch (15 kiến nghị), nhóm kiến nghị liên quan đến các chương trình, dự án đầu tư (39 kiến nghị); nhóm kiến nghị về thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động nước ngoài (3 kiến nghị); các kiến nghị khác (10 kiến nghị). 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh quyết tâm của các địa phương miền Trung – Tây Nguyên cam kết đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể. 

Thời gian tới, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thủ tướng tin rằng lãnh đạo và người dân các địa phương trong vùng mong muốn vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, “không để Trung ương và Chính phủ thất vọng về sự tăng trưởng yếu kém, nhiều tồn tại của các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên”. Điều quan trọng là phải xây dựng chương trình, lộ trình hành động với thời gian cụ thể, quyết liệt, hiệu quả, giải pháp đột phá trong 6 tháng cuối năm để phục hồi tăng trưởng. Không để tình trạng trì trệ.

Các tỉnh Vùng KTTĐ, kể cả Phú Yên và Khánh Hòa phải nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, thể hiện là cực tăng trưởng của khu vực và đất nước, Thủ tướng nêu rõ. Mục tiêu năm 2020, khu vực miền Trung – Tây Nguyên không thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, thu hút dòng dịch chuyển vốn đầu tư thế giới. 

Các địa phương miền Trung – Tây Nguyên phải nghiên cứu, tận dụng các FTA, đặc biệt là CPTPP và EVFTA, mở ra không gian mới về hợp tác thương mại đầu tư với các nước châu Âu.

Đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và diễn biến khó lường, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, nơi có cửa khẩu, biên giới, cảng hàng không tuyệt đối không được chủ quan, theo dõi sát tình hình, kiên quyết không để dịch quay lại, lây lan trong cộng đồng. “Đảng, Nhà nước "thấu hiểu" những khó khăn, thách thức với miền Trung”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân miền Trung – Tây Nguyên vượt qua khó khăn.

Chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm và lo an sinh xã hội. Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.

Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; thích nghi, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để tồn tại và phát triển. Đồng thời, phải có trách nhiệm với xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân, người lao động, cơ quan quản lý nhà nước.

Về nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của từng địa phương; kịp thời xử lý các phát sinh, vướng mắc, bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2020. Kiên quyết thực hiện cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, hoặc triển khai chậm để  điều chỉnh cho các dự án đầu tư công cấp bách.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ  đầu tư từ ngân sách Trung ương để đầu tư các công trình hạ tầng cấp bách của Vùng KTTĐ miền Trung và Tây Nguyên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế  đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, của vùng, của quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới; xem xét đưa Khu kinh tế Vân Phong vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư.

Nghiên cứu Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh.

PV

 

.