Ấm ức với bảo hiểm

11:05, 27/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiếm thấy một chủ trương nào của cơ quan quản lý Nhà nước vừa mới ban hành đã gặp phải sự tranh luận gay gắt trên không gian mạng lẫn ngoài đời như chuyện mua bảo hiểm xe máy. Bởi từ ngày 15.5 đến 14.6, cảnh sát giao thông (CSGT) có quyền cho dừng xe để kiểm tra các loại giấy tờ mà không cần chủ phương tiện đó vi phạm lỗi gì cả.
Nếu chủ nhân không mang theo đủ các loại giấy tờ xe như bằng lái, giấy đăng ký ô tô, xe máy, chứng minh nhân dân và thẻ bảo hiểm, thì sẽ bị phạt. Các chủ phương tiện không kêu ca gì khi bị phạt vì thiếu bằng lái và giấy đăng ký xe, mà chỉ không thực sự đồng tình với việc xử phạt vì không mua bảo hiểm cho xe máy mà thôi.
 
Thực ra thì việc mua bảo hiểm bắt buộc cho xe máy không phải đến nay mới có, nhưng lâu nay, CSGT không mấy để ý khi xử phạt một lỗi nào đó của người điều khiển phương tiện. Bây giờ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, trong đó ngoài việc đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông còn có việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của chủ phương tiện nữa, nên CSGT buộc phải thực thi nhiệm vụ.
 
Có người cho rằng, bảo hiểm là việc của... bảo hiểm, mắc mớ chi CSGT lại đi làm thay? Theo họ thì, CSGT chỉ làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn, kiểm tra các loại giấy tờ tùy thân khác để xem thử giấy tờ ấy có giả hay không mà thôi. Câu hỏi đặt ra là, vì sao chỉ bỏ ra chưa đến 100.000 đồng cho cả hai loại bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện, nhưng cả những người kinh tế khá giả họ vẫn không đồng tình?
 
Lý do dễ nhận thấy nhất là, người nào nhỡ bị tai nạn xe máy ở mức “vừa vừa” mà báo với bên bảo hiểm để được bồi thường thì sẽ gặp vô cùng nhiêu khê, vì hầu như không thể đạt được điều mình cần. Với đủ các loại quy định của ngành, từ biên bản của công an, việc xác nhận của nhân viên bảo hiểm ngay tại hiện trường đến chuyện “giám định” mức độ thiệt hại, tất tật đều phải tuân thủ nghiêm ngặt, không sót một chi tiết nào. 
 
Để qua hết các loại “cửa ải” này sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng chưa chắc đã nhận được đồng tiền bảo hiểm “như cam kết” của bên bán bảo hiểm. Vì vậy, những nạn nhân thường thì họ bỏ luôn vì không đủ kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng một sự việc mà phần thua chắc chắn thuộc về bên... đi đòi! Điều đó cũng có nghĩa, số tiền mà chủ nhân chiếc xe máy bỏ ra ấy không phải là để được bên bảo hiểm bồi thường khi gặp nạn, mà là để công an khỏi phạt! Để “mua” sự yên ổn bằng một cái giá không phải quá đắt như thế, nhưng nhiều người vẫn không đồng tình là vì những lý do vừa nêu. Họ ấm ức không phải vì số tiền bỏ ra ít hay nhiều, mà cái chính là sự nhiêu khê mà bên bán bảo hiểm mang lại cho khách hàng.
 
Để khách hàng khỏi ấm ức, nên chăng ngành bảo hiểm cần phải có một cuộc cải tiến triệt để tình trạng trì trệ trong việc đền bù cho khách hàng như lâu nay.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.