Quảng Ngãi lọt top 8 địa phương có chỉ số nội dung của PAPI 2019 cao nhất nước

06:04, 28/04/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 28.4, Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị đã tổ chức công bố trực tuyến Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019. Theo đó, Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số “trách nhiệm giải trình với người dân” cao nhất cả nước, đạt 5,59 điểm.
Hơn 14.100 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/ thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số PAPI 2019 chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận qua nghiên cứu PAPI về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương theo 8 chỉ số nội dung.
 
Trong tổng hợp kết quả PAPI năm 2019 của 63 tỉnh, thành, Bến tre là địa phương có tổng điểm cao nhất là 46,74 điểm, thấp nhất là Đăk Lăk với 41,07 điểm.
 
Quảng Ngãi có chỉ số
Quảng Ngãi có chỉ số "trách nhiệm giải trình với người dân" cao nhất cả nước, đạt 5,59 điểm
 
Quảng Ngãi là 1 trong 8 địa phương có chỉ số nội dung của PAPI năm 2019 cao nhất cả nước. Đó là chỉ số “trách nhiệm giải trình” với số điểm 5,59 điểm. Tuy nhiên, Quảng Ngãi lại nằm trong những địa phương có tổng số điểm chỉ số PAPI thấp nhất, với 41,18 điểm.
 
Cụ thể, Quảng Ngãi có chỉ số "tham gia của người dân ở cấp cơ sở" đạt 4,59 điểm; chỉ số "công khai minh bạch" đạt 5,06 điểm; chỉ số "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" đạt 6,72; chỉ số "thủ tục hành chính công" đạt 6,97 điểm; chỉ số "cung ứng dịch vụ công" đạt 6,88 điểm; chỉ số "quản trị môi trường" đạt 3,31 điểm; chỉ số "quản trị điện tử" đạt 2,05 điểm.
 
Kết quả chỉ số PAPI năm 2019 phản ánh sự cải thiện trong tổng điểm trung bình chỉ số PAPI Gốc (gồm sáu chỉ số lĩnh vực nội dung ban đầu) từ 34 điểm năm 2015 lên 37,4 điểm năm 2019. Kết quả này cho thấy những cải thiện đáng kể mà nhiệm kỳ chính quyền các cấp hiện nay (2016-2021) đã và đang làm được.
 
Người dân tham gia khảo sát PAPI năm 2019 có xu hướng hài lòng hơn với nỗ lực mạnh mẽ trong đấu tranh chống tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở tất cả các cấp chính quyền. Song, họ vẫn cho rằng tham nhũng là vấn đề đáng quan ngại trong khu vực công. Những nỗ lực trong đơn giản hóa thủ tục hành chính và quy trình xử lý hồ sơ, mở rộng cung ứng dịch vụ công qua mạng Internet vẫn chưa thu hút thêm nhiều người sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương hay giúp người dân hài lòng hơn như mong đợi.
 
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 đạt mức 7%, mức cao nhất liên tục trong thập niên qua, vẫn có tới gần 25% người dân trả lời khảo sát PAPI tiếp tục cho rằng đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất trong năm 2019, và tỉ lệ này duy trì suốt từ năm 2016 đến nay.
 
Thêm vào đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường quay trở lại nhóm ba mối quan ngại hàng đầu của người trả lời khảo sát PAPI trong năm 2019, tương tự kết quả khảo sát năm 2016 sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển và cá chết hàng loạt. Người dân cũng nhấn mạnh mong muốn đất nước phát triển bền vững, rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
 
Đây là năm thứ 11 liên tiếp Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) công bố chỉ số PAPI. Chỉ số này giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn.
 
Tin, ảnh: Khả Nhiên

 


.