Cương quyết hạn chế bia, rượu

02:03, 08/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia như công viên, nhà chờ xe buýt, rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao, trừ một số trường hợp được cho phép. Các quán rượu phải có nội dung cảnh báo khách hàng là "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi" hoặc "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia". Đó là những nội dung đáng chú ý của Nghị định 24/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Chính phủ ban hành vừa có hiệu lực từ ngày 24.2.2020.
Có thể nói, quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa bao giờ được nước ta thực hiện quyết liệt và đồng bộ như vậy. Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020, trong đó quy định xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn, tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm khá rõ. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hai tháng đầu năm nay (tính từ ngày 15.12.2019 đến 14.2.2020), toàn quốc xảy ra 2.368 vụ TNGT, làm chết 1.125 người, bị thương 1.781 người. So với hai tháng đầu năm 2019, số vụ TNGT giảm 454 vụ (giảm 16,09%), số người chết giảm 231 người (giảm 17,04%), số người bị thương giảm 385 người (giảm 17,7%).
 
Tiếp đó, Nghị định 24 được ban hành đã cụ thể hóa thêm nhiều nội dung, để phòng, chống tác hại của rượu, bia. Rõ ràng, Chính sách quốc gia về  phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 được Chính phủ ban hành, triển khai đi vào cuộc sống với quan điểm thống nhất và xuyên suốt là Nhà nước không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Bởi thực tế, lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng, đến gia đình, cộng đồng và kinh tế - xã hội, đồng thời tiềm ẩn những mối lo về an toàn giao thông, an toàn trật tự xã hội.
 
Uống rượu, bia không kiểm soát là một trong những nguyên nhân làm cho số vụ TNGT ở nước ta luôn ở mức cao (bình quân mỗi ngày có gần 21 người chết và 37 người bị thương vì TNGT), trở thành vấn nạn gây nhức nhối cho xã hội. Không những thế, chi phí để giải quyết các tác hại của rượu, bia cũng tạo gánh nặng cho nền kinh tế và ngân sách quốc gia. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 - 3,3% GDP. Do vậy, việc giảm tác hại của việc sử dụng rượu, bia cần được thực hiện cương quyết, đồng bộ, lâu dài bằng nhiều giải pháp.
 
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã đi vào cuộc sống, Nghị định 24 đã có hiệu lực cũng cần sớm phát huy hiệu quả, để đạt mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.
 
LINH KHA
 

.