Việt Nam phấn đấu đứng trong 10 nước hàng đầu thế giới về về chế biến nông sản

09:02, 21/02/2020
.
(Baoquangngai.vn) - Sáng 21.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp”. Tham dự Hội nghị ở đầu cầu Quảng Ngãi có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên.
Những năm qua, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt khoảng 5-7%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng khoảng 8 - 10%/năm. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD, xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ.

Đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm, có hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới, giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động. Về cơ giới hóa nông nghiệp, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác.
 
aa
Ảnh: Internet.
 
Cả nước hiện có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp.

Mức độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chưa toàn diện. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản…

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đưa công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa về cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến.

Phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa tình trạng được mùa rớt giá; đẩy mạnh cơ giới hóa; ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ; tiếp tục khuyến khích, kết nối chuỗi trong phát triển.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất để đầu tư vào nông nghiệp. Nghiên cứu chính sách giảm giá thành sản xuất nông sản, đặc biệt là chi phí về giao thông cho việc lưu thông nông sản.

Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp…
 
A.KIỀU

.