Khi nghị định sớm đi vào cuộc sống

02:02, 12/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tết Canh Tý 2020 vừa qua có sự “lạ”, bởi nhà nào cũng tốn nước khoáng, nước ngọt nhiều hơn rượu, bia. Lạ nữa là người ta không sử dụng đồ uống có cồn, nhưng câu chuyện về rượu, bia vẫn luôn rôm rả trên mỗi bàn tiệc.
Và vui nhất là cha mẹ thì yên tâm với con cái. Vợ con thì khỏi lo lắng những chuyến đi xa, về muộn của chồng...
 
Quê tôi, cũng như nhiều làng quê khác, không phải ngày Tết thì bia, rượu mới tưng bừng, mà có trong tất cả tiệc tùng, hiếu hỷ. Nhưng cái Tết này lại khác.
 
Hầu như ai cũng ngại ngùng với bia, rượu. Chủ nhà không còn mời khách theo kiểu “nài nỉ” mà chỉ là xã giao và thông cảm, nhẹ nhàng khi khách từ chối.
 
Khách không uống thì chủ nhà cũng không thể dùng một mình. Anh bạn gần nhà tôi cho biết: "Kỳ nghỉ Tết vừa qua, nhà tôi... chưa tốn lon bia, ly rượu nào, bởi khách đến chơi đều từ chối".
 
Tết là dịp để đoàn tụ gia đình, thăm viếng bà con, họ hàng. Tết năm nay, nét văn hoá tốt đẹp ấy vẫn như thường lệ. Nhưng có điều ai cũng cảm nhận được đó là trong câu chuyện đầu xuân không còn cảnh bia, rượu ê hề trên mỗi bàn tiệc. Thay vào đó là nước trà và nước ngọt.
 
Điều thú vị là nhiều người từ chối dùng bia, rượu, thậm chí một ly cũng không, bởi “tôi còn lái xe, đi thăm nhiều nhà khác nữa...”. Thế nhưng, họ lại nói nhiều về thứ đồ uống quen thuộc trong ngày Tết xưa nay. Trong câu chuyện, nhiều người còn nhầm tưởng Nhà nước cấm uống rượu, bia. Trong khi quy định chỉ cấm lái xe khi uống rượu, bia.
 
Tôi có vài anh bạn “thích giao lưu” cũng thừa nhận cái Tết này khỏe hẳn. Bởi những mùa Tết trước, sau những cuộc chúc tụng, lúc về nhà thì “lơ cơm”, sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng...
 
Tôi luôn ám ảnh câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ ở Bắc Ninh trong ngày Tết định mệnh năm trước. Ngày Tết, anh lái xe máy đưa vợ cùng hai con nhỏ về quê vợ chúc Tết. Sau một ngày “chén chú chén anh”, trên đường về, anh ngủ gật và tông xe vào cột mốc ven đường. Vợ chồng anh bất tỉnh được đưa vào bệnh viện. Khi tỉnh lại thì anh biết rằng 2 con anh đã qua đời. Nỗi đau quá lớn! Hậu quả của rượu, bia thật thảm khốc!
 
Kể ra câu chuyện đau lòng này để thấy rằng, sau cuộc vui với bia, rượu mà lái xe luôn là nỗi ám ảnh của mọi người, mọi nhà. Nếu chẳng may gặp rủi ro thì nỗi đau, sự bất hạnh không thể bù đắp được, có hối hận cũng đã muộn màng.  
 
Sở dĩ có những sự "lạ" trên là nhờ Nghị định 100 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1.1.2020. Khi Nghị định sớm "đi vào cuộc sống", thì người tham gia giao thông đã thay đổi nhanh nhận thức, thái độ và chuyện lái xe khi đã uống rượu, bia.
 
BẢO LỘC
 

.