"Bánh mì thanh long" và việc giải cứu nông sản

08:02, 27/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Vua bánh mì” Việt Nam Kao Siêu Lực (chủ thương hiệu ABC Bakery, ở TP.Hồ Chí Minh) vừa cho ra đời sản phẩm đặc biệt. Đó là “Bánh mì thanh long”. Chiếc bánh mì này đặc biệt ở chỗ, nó là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam và thế giới, được chế biến từ nguyên liệu chính là thanh long ruột đỏ.
Hơn một tuần qua, thanh long ruột đỏ được nông dân ở nhiều địa phương trong cả nước thu hoạch rộ, với sản lượng rất lớn. Nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc tạm đóng cửa khẩu, nên thanh long bị tồn đọng, rớt giá, khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Trước tình hình trên, ông Kao Siêu Lực đã nghiên cứu và chế biến thành công sản phẩm “bánh mì thanh long”, với tỷ lệ thanh long chiếm 60 - 70%. Dù chỉ trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng cả 4 loại bánh, gồm: Bánh mì thanh long, thanh long núi lửa, bánh mì ngọt thanh long có nhân khoai môn và bánh kem thanh long được người tiêu dùng đánh giá cao, vì đảm bảo được các yếu tố về thẩm mỹ, hương vị và khẩu vị; cũng như giá bán phù hợp, từ 6  -  18 nghìn đồng/bánh, tùy loại.
 
Thành công của 4 loại “bánh mì thanh long” không chỉ được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận (mỗi ngày tiêu thụ trên 20 nghìn chiếc bánh), mà sản phẩm đã góp công rất lớn vào việc “giải cứu” nông sản trong thời điểm gặp khó vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng cách “giải cứu” này khác biệt ở chỗ, thanh long được chế biến thành sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao, dễ tiêu thụ, nên ổn định và bền vững.
 
Thực tế là, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động xuất, nhập khẩu giữa nước ta và Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Mở hàng” là thanh long, dưa hấu, ớt hiện đang bị ùn ứ, gây thiệt hại nặng nề. Tiếp theo sẽ là mít, sầu riêng, nhãn, khoai lang, yến... những sản phẩm chuẩn bị ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong năm nay, nhưng buộc phải dừng, vì Trung Quốc đang là tâm điểm của dịch Covid-19.
 
Giữa lúc khó khăn, dù chính quyền và các ngành chuyên môn muốn can thiệp hỗ trợ giúp nông dân cũng không phải dễ. Bởi chủng loại và sản lượng các mặt hàng trái cây, nông sản của nước ta quá lớn, trong khi Trung Quốc lâu nay lại là thị trường tiêu thụ chính, từ tiểu ngạch đến chính ngạch.
 
Chính vì vậy, sự ra đời của “bánh mì thanh long” đã mang lại hiệu ứng rất lớn trong cộng đồng, từ chất lượng đến ý nghĩa. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong hành trình tìm giải pháp để “giải cứu” nông sản Việt. Đó là, thay vì xuất khẩu thô, thì căn cơ và bền vững nhất vẫn là chế biến tinh. Để “hiện thực hóa” điều này, cần sự chung sức của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, sản xuất nhiều sản phẩm được chế biến từ các loại trái cây, nông sản Việt, như “bánh mì thanh long” mà “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực đã và đang thực hiện.
 
MỸ HOA
 

.