Làm sao giải cứu ngành mía đường?

11:09, 14/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiệp hội Mía đường Việt Nam lo lắng khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, đường sẽ được xuất chính ngạch vào Việt Nam, với thuế suất 0%, giá bán đường sẽ rơi về 8.000 - 9.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất của doanh nghiệp trong nước 2.000 - 3.000 đồng/kg, thì ngành đường nội địa sẽ vô cùng khó khăn.
TIN LIÊN QUAN

Mức độ khó khăn được dự báo là sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp và người trồng mía sẽ lỗ nặng.

Đã một lần Chính phủ thảo luận với các quốc gia ASEAN để lùi thời hạn thực hiện ATIGA hai năm. Bây giờ thời hạn ấy cũng sắp hết, chẳng lẽ xin lùi nữa?

Một khi ATIGA được thực hiện, thì không còn chuyện “đường nhập lậu” vào Việt Nam, mà đó sẽ là nhập chính ngạch, thuế suất 0%. Đã bao năm nay, vấn đề chính của ngành mía đường vẫn là không hạ được giá thành đường, do không tăng được năng suất mía như Thái Lan. Đã vậy, Việt Nam cũng không có chính sách tài trợ xuất khẩu như Thái Lan.
 
Một khi người Thái chấp nhận giá bán đường nội địa cao hơn giá xuất khẩu, thì họ đã tính tới thị trường cạnh tranh chính là thị trường ngoài nước. Đó là chiến lược của người rất tự tin vào năng lực sản xuất của mình. Ngành mía đường Việt Nam không thể có được sự tự tin ấy, vì thế, Chính phủ cũng không thể đưa ra chính sách tài trợ xuất khẩu cho đường Việt Nam.
 
Vậy đường Việt Nam chỉ bán ở thị trường nội địa, trong khi thị trường này chịu áp lực rất lớn từ đường Thái Lan giá rẻ. Tình trạng thừa đường, đường không tiêu thụ được lên tới 600 nghìn tấn là một nguy cơ thật sự cho ngành mía đường Việt Nam. Khả năng phá sản của nhiều nhà máy đường yếu kém đã thấy rất rõ.

Vậy thì, nếu không có khả năng duy trì những nhà máy đường yếu kém, thì việc cho phá sản là việc cần làm, vì nó còn liên quan tới nông dân sản xuất mía. Nông dân không thể ngồi chờ giá mía giảm thê thảm, chờ tới khi nhà máy đường phá sản, bản thân người trồng mía cũng lao đao, rồi mới chuyển sang trồng cây khác, vì như thế là quá muộn.

Lượng đường tiêu thụ trên thị trường thế giới đã liên tục giảm từ 7 năm nay. Do nhận thức của người tiêu thụ, do thứ đường trắng mà người tiêu dùng phải mua đã qua những công đoạn “tẩy trắng” bằng hóa chất. Dùng đường trắng thì không có lợi cho sức khỏe.
 
Đó là yếu tố chính để đường trắng bị thừa ra nhiều đến thế. Vậy thì tại sao không quay lại sản xuất đường thủ công, đường đen, đường nâu, đường chưa rút hết mật như ngày xưa cha ông mình vẫn làm? Không dùng bất cứ hóa chất can thiệp nào, sản xuất “đường organic” có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, chắc chắn sẽ bán được. Nhưng nếu như thế sẽ phải “tái cấu trúc” lại hệ thống nhà máy đường  hiện tại. Đó là việc không dễ làm.

Lâu nay, Hiệp hội Mía đường thường chỉ có một giải pháp là “kêu cứu” Chính phủ, chưa thấy đưa ra giải pháp nào để tự cứu mình. Bây giờ, không chỉ ngành mía đường gặp khó, mà cà phê, rồi cao su đều gặp khó. Sắp tới, với thương chiến Mỹ - Trung, cái khó còn tăng thêm nhiều.    

Vào năm 2002, tôi đã đi tới Lao Bảo, rồi sang tận đất Lào để viết phóng sự về đường nhập lậu từ Thái Lan. Bây giờ, sau 17 năm, lại nghe điệp khúc “đường nhập lậu”. Thú thực, nghe cảnh báo “đường nhập lậu” bây giờ không còn khiến bất cứ ai quan tâm nữa, nhất là khi đã có Hiệp định ATIGA.
 
Vậy thì chỉ còn một cách, ngành mía đường phải “tự cứu mình”. Còn nông dân trồng mía, họ cũng không thể thụ động, bị động chờ những giải pháp từ các nhà máy đường. Họ phải “tự cứu mình” trước, bằng cách chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Cả Tây Nguyên đang chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và đó là hướng chuyển đổi chủ động của nông dân, sau những thất bại về hồ tiêu, cà phê, mía, cao su. Hơn bao giờ hết, sự nhạy bén và năng động trong nông nghiệp đang phát huy tác dụng.

THANH THẢO
 

.