Từ việc 13 điểm vào đại học

09:08, 26/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, các trường đại học đang tuyển sinh đợt 2 (tuyển sinh bổ sung). Đây là việc làm bình thường để các trường tuyển đủ chỉ tiêu. Song điều không bình thường là, rất nhiều trường và nhiều ngành học, thí sinh (TS) chỉ cần tổng điểm 3 môn thi “đạt” 13 điểm là đã trở thành sinh viên đại học (với những TS có điểm ưu tiên, thì số điểm sẽ còn thấp hơn).
TIN LIÊN QUAN

Ở Quảng Ngãi, hiện có đến 3 trường đại học là ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Tài chính - Kế toán và Trường ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh-Phân hiệu Quảng Ngãi. Trong những năm qua, dù có rất nhiều nỗ lực, song việc tuyển sinh của ba trường đại học này cũng hết sức khó khăn.

Ngay như năm nay, Trường ĐH Phạm Văn Đồng cần tuyển 1.285 TS, nhưng sau khi tuyển đợt 1, trường thông báo tuyển thêm... 1.215 TS, trong đó bậc đại học khối ngành kinh tế, kỹ thuật chỉ cần 13 điểm. Điều này cho thấy, số lượng tuyển sinh ở đợt 1 là khá thấp và trường đang rất cần sinh viên.

Với những TS có 13 điểm vào đại trường, thì có lẽ việc tuyển sinh và cả đào tạo đại học cần được xem xét lại một cách nghiêm túc và khoa học, để tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Bởi một khi nguồn đầu vào có chất lượng thấp, thì đầu ra với tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ở mức cao cũng không quá khó để lý giải.

Theo thống kê, cả nước hiện có  235 trường đại học, học viện, gồm 170 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh). Số lượng trường đại học so với 96 triệu dân như nước ta hiện nay chưa phải là lớn.
 
Song điều đáng nói là, nhiều trường vẫn chưa quan tâm đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn; nguồn lực tài chính phân tán; các ngành đào tạo còn trùng lặp, chồng chéo trong một địa bàn... Điều này khiến cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý và chất lượng đào tạo hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Còn nhớ, báo cáo trước Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 33 năm 2016 của Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ 2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ trình Chính phủ Đề án quy hoạch các trường đại học trong quý III/2019, với mục tiêu là quy hoạch hệ thống các trường đại học tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trình độ cao đa dạng của thị trường lao động và hướng tới hội nhập quốc tế.

Việc quy hoạch đang được Bộ GD&ĐT tiến hành (dù thời hạn cam kết đã gần hết), song đã đến lúc Bộ chủ quản nên kiên quyết giải thể các cơ sở đào tạo đại học chất lượng yếu, kém; sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đồng thời tránh phân tán và lãng phí nguồn lực như hiện nay.  
               
 LINH GIANG
 

.