Núp bóng "quốc tế"

03:08, 12/08/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Bây giờ tỉnh nào cũng có “trường quốc tế”, như thể phải gắn cái mác “quốc tế” ấy vô thì cơ sở giáo dục ấy mới có uy tín, mới có đẳng cấp vậy.

Phải thừa nhận một điều rằng, nhờ công cuộc mở cửa và sự thông thoát của cơ chế nên việc tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới ngay trong nước được thuận lợi và dễ dàng hơn trước đây. Các trường đại học danh giá của một số nước đã đặt cơ sở đào tạo theo “chuẩn quốc tế” ngay trên đất nước ta, nên nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế không phải cho con đi học nước ngoài mà vẫn có văn bằng đại học của những trường tiên tiến ấy.

Nếu như ở bậc đại học, các trường quốc tế có thương hiệu họ còn giữ uy tín cho trường, nên vấn đề chất lượng đào tạo họ rất chú trọng; ngược lại, các trường quốc tế ở bậc phổ thông, không phải trường nào cũng giữ uy tín đúng như những gì mà họ quảng cáo. Dân mình thì hễ thấy hai chữ “quốc tế”, nghe quảng cáo “dạy bằng tiếng Anh” là cứ thế lao vào, bất chấp hậu quả.
 
Nắm được tâm lý “sính ngoại” này, nhiều cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài đã bị biến tướng, thậm chí một số trường lợi dụng lòng tin của phụ huynh để trục lợi. Không hiếm người nhiều tiền nhưng lại thiếu thông tin, không chịu tìm hiểu kỹ về ngôi trường mà mình đang hoặc chuẩn bị gửi con vào đấy, cứ thế nhắm mắt trao thân gửi phận con em mình cho họ để cuối cùng nhận lấy những hậu quả đáng tiếc. Nhẹ thì “tiền mất tật mang”, nghĩa là chẳng thu lượm được gì nhiều so với số tiền bỏ ra, nặng thì mất mạng như trường hợp của cháu bé 6 tuổi vừa xảy ra ở một trường "quốc tế" mang tên Gateway tại Hà Nội.

Học phí mỗi năm mà trường này lấy của phụ huynh là 118 triệu đồng - số tiền không hề nhỏ so với mặt bằng thu nhập hiện nay của người Việt. Lẽ ra thu tiền nhiều thì trách nhiệm phải lớn, đàng này thì ngược lại. Mỗi lớp học của trường này chỉ 24 em - số lượng quá ít như thế nên không thể gây khó khăn cho việc quản lý học sinh. Ấy thế mà vẫn “bỏ quên” một cháu trên xe để rồi cháu vĩnh viễn không trở về ngôi nhà thân thuộc của mình nữa.
 
Chỉ cần người quản lý đưa đón các cháu lên xe ngày hôm đó trách nhiệm hơn với công việc “kiểm đếm” học sinh, chỉ cần anh tài xế để tâm hơn đến bên trong chiếc xe của mình sau khi các cháu rời khỏi xe, chỉ cần Ban giám hiệu làm việc chuyên nghiệp hơn là gọi điện cho phụ huynh để tìm hiểu lý do sau khi nghe cô giáo đứng lớp báo cáo vắng một cháu… tất cả các bộ phận ấy nếu làm đúng chức phận của mình, thì sẽ không xảy ra bi kịch như thế. Thu học phí thì theo “chuẩn quốc tế” mà trách nhiệm thì lại rất "ao làng" nên sai sót đã xảy ra.

Bây giờ không phải là lúc đi mổ xẻ để tìm nguyên nhân cái chết của cháu bé nữa, mà qua đó các nhà quản lý, cả bên chính quyền lẫn bên giáo dục cần rà soát tất cả các trường núp bóng quốc tế để chấn chỉnh, đi vào quy củ, bất luận đó là trường do ai đứng tên. Chỉ có thanh lọc thật sạch các cơ sở giáo dục núp bóng quốc tế, thì những điều đáng tiếc mới không tái diễn.
 
TRẦN ĐĂNG

.