Để phát huy Quỹ bảo hiểm nông nghiệp

11:08, 28/08/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là hết sức cần thiết cho nền nông nghiệp, cho nông dân Việt Nam, cho sự phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường hàng hóa, nhưng để “phủ sóng” được bảo hiểm này trên toàn quốc  là chuyện không hề đơn giản.
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng hằng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là niềm hy vọng mạnh mẽ nhất.

Song thực hiện “niềm hy vọng mạnh mẽ” ấy như thế nào để bên tham gia bảo hiểm là nông dân Việt Nam được hưởng lợi, được khuyến khích một cách thực chất và hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời, phía những doanh nghiệp bảo hiểm và những nhà bảo hiểm không bị thua lỗ khi tham gia Quỹ BHNN và quy trình hoạt động của Quỹ phải công khai, minh bạch, mang lợi nhuận cho nhà bảo hiểm, nhưng phải mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Ngoài ra, phải hạn chế được tối đa những hệ lụy từ Quỹ bảo hiểm này, trong đó, vấn đề xác định rủi ro trong nông nghiệp là vấn đề rất khó (thực tế đã có sự trục lợi bảo hiểm). Để tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm nông nghiệp, thì trong hợp đồng công ty bảo hiểm và người bảo hiểm phải có định mức kinh tế kỹ thuật của người mua sản phẩm. Nghĩa là, hợp đồng BHNN phải là một hợp đồng mang tính pháp lý rõ ràng, có đủ những điều khoản, nhằm xử lý các trường hợp rủi ro và hệ lụy, kể cả chuyện trục lợi bảo hiểm.

Khó, nhưng không thể không làm. Những nước phát triển trên thế giới đều có BHNN, nhất là những nước có nền nông nghiệp phát triển. Người nông dân ở các nước ấy rất yên tâm khi sản xuất nông nghiệp, khi mua đủ bảo hiểm, vì họ sẽ được đền bù thỏa đáng, nếu gặp rủi ro, nhất là những rủi ro do thiên tai gây ra.

Với một đất nước nông nghiệp hằng năm có quá nhiều thiên tai, với mật độ thiên tai ngày càng dày và với cường độ ngày càng tăng như ở Việt Nam, thì quả thật, những doanh nghiệp bảo hiểm sẽ hết sức băn khoăn khi tham gia vào lĩnh vực này. Những rủi ro cho những nhà bảo hiểm là không hề nhỏ. Nhưng những lợi ích cho cả nhà bảo hiểm và nông dân tham gia bảo hiểm còn lớn lao hơn, nếu Quỹ BHNN hoạt động chuyên nghiệp, trơn tru, minh bạch và ngày càng hứa hẹn mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

Một khi nông dân đã am hiểu, đã tin cậy vào Quỹ BHNN, thì sự tham gia của họ sẽ ngày càng tăng. Quỹ bảo hiểm sẽ lớn, nhưng nó có thật sự “mạnh” hay không, lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, nổi lên hàng đầu là khả năng quản lý Quỹ, khả năng vận động người tham gia Quỹ và khả năng thuyết phục về sự ổn định của Quỹ, khiến các bên tham gia đều có thể yên tâm. Đó mới là điều cực kỳ khó khăn, nhưng bắt buộc phải làm.

Thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, đưa nông dân đến sản xuất hàng hóa, trở thành giải pháp quan trọng để nhà nước thúc đẩy đổi mới cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa... Bấy nhiêu lợi ích của BHNN là hết sức rõ ràng, nhưng thực hiện được BHNN một cách bền vững là điều không hề dễ dàng.

Phải có “ba chữ L”: Phải có luật, phải có lợi và phải có lòng. Phải có luật và phải có lợi thì ai cũng biết, nhưng phải có lòng, nghĩa là phải có tình yêu thực sự kèm trách nhiệm thực sự với nông dân, thì mới làm tốt được sự vận hành Quỹ BHNN mà không dẫn tới đổ vỡ. Kinh nghiệm vận hành với rất nhiều sai sót, thậm chí tham nhũng của Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trong những năm vừa qua là kinh nghiệm xương máu cho chúng ta khi muốn đưa một Quỹ bảo hiểm lớn vào hoạt động thực tế và duy trì sự bền vững của nó.

Sở dĩ, khối ngân hàng còn “đứng ngoài cuộc” trong sự ra đời và hoạt động của Quỹ BHNN, cũng vì ngân hàng sau những năm tháng bị “nợ xấu” hoành hành, họ đã trở nên quá thận trọng. Họ chờ xem và nếu thấy lợi ích rõ ràng và ổn định, họ chắc chắn sẽ tham gia theo đúng chức năng ngành của họ.

THANH THẢO
 

.