Siết chặt quản lý tài sản công

02:07, 30/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 63/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.9.2019). Đây là công cụ hữu hiệu và hết sức cần thiết, nhằm siết chặt công tác quản lý, sử dụng tài sản công.
TIN LIÊN QUAN

Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (năm 2008) và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (năm 2017) đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, hành lang pháp lý về quản lý, sử dụng tài sản công dần được kiện toàn; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được điều chỉnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập...

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng tài sản công cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Việc quản lý, sử dụng một số loại tài sản nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính. Đặc biệt là quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng có số lượng và giá trị rất lớn, ở các vị trí có giá trị thương mại cao, nhưng việc sử dụng còn phân tán, có nơi lãng phí, hiệu suất thấp. Có không ít trường hợp đất công bị sử dụng  sai mục đích, điển hình là các công viên, bảo tàng kinh doanh thêm cả quán cà phê, nhà hàng, bể bơi...

Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/CP và áp dụng đối với các tổ chức cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp... Theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kho bạc nhà nước đối với cá nhân có hành vi vi phạm là 50 triệu đồng, với tổ chức là 100 triệu đồng. Cá nhân vi phạm trong lĩnh vực thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí bị phạt tối đa 100 triệu đồng; tổ chức vi phạm bị phạt tối đa 200 triệu đồng. Riêng hành vi chiếm đoạt trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô sẽ bị phạt 10 triệu - 20 triệu đồng...

Để Nghị định 63/CP đi vào cuộc sống, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công. Đặc biệt, cần phát huy trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Riêng việc xử lý bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản công cần được thực hiện công khai, minh bạch, nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước.    
        
PHẠM DANH
 

.