Hội thảo giới thiệu về nguồn tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi

11:07, 16/07/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 16.7, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cùng với Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi- Giá trị, thực trạng và giải pháp bảo tồn”.
Đây là hội thảo nằm trong nội dung kế hoạch thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, dịch thuật, phân loại, đánh giá tư liệu Hán Nôm ở tỉnh Quảng Ngãi” được UBND tỉnh phê duyệt năm 2017.
 
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS. Nguyễn Đăng Vũ- Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, chủ nhiệm đề tài cho biết, sau gần 2 năm thực hiện, Ban chủ nhiệm đề tài đã sưu tầm được gần 5.000 trang tài liệu Hán Nôm, bao gồm nhiều loại hình văn bản trên các loại chất liệu khác nhau và tiến hành dịch thuật trên 700 trang tư liệu. 
 
Đó là những tài liệu tương đối tiêu biểu có liên quan đến lịch sử kinh tế- văn hóa- xã hội vùng đất Quảng Ngãi, vùng đất phía Nam của Tổ quốc và về biển đảo. 
 
Các tư liệu dịch thuật phổ biến trên các loại hoành phi, liễn đối, sắc phong, chế phong, cáo thị, bằng cấp, đơn từ, văn bia, hương ước, khế ước... trên các chất liệu giấy, gỗ, đá và kim loại. 
 
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Di sản Hán Nôm hiện diện ở Quảng Ngãi gắn liền với quá trình người Việt đến khai phá và xây dựng vùng đất này trong suốt nhiều thế kỷ, xuất hiện khá sớm, không bị đứt gãy. Nhiều nhất vẫn là di sản Hán Nôm của thời nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại. 
 
Ở Quảng Ngãi hiện nay còn khá nhiều địa điểm tiêu biểu còn chứa đựng nhiều lại tài liệu Hán Nôm mà các tài liệu này còn tương đối nguyên vẹn như tại lăng Ông ở thôn Thanh Thủy xã Bình Hải và làng Mỹ Huệ, ở xã Bình Dương (huyện Bình Sơn); đền thờ Bùi Tá Hán ở phường Quảng Phú, hay chùa Hoa Sơn ở xã Nghĩa Phú, nhà thờ và khu mộ Trương Đăng Quế ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi)...; chùa Ông ở xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa); nhà thờ Nguyễn Bá Nghi ở xã Đức Nhuận (huyện Mộ Đức)...
 
Đặc biệt, tại huyện đảo Lý Sơn, hiện vẫn còn nhiều dòng họ giữ tài liệu Hán Nôm từ thời Cảnh Hưng (1740- 1786), Cảnh Thịnh (1733- 1801), qua các triều vua Nguyễn (1802- 1945), từ Gia Long đến Bảo Đại... Số lượng tài liệu ở Lý Sơn còn lại có thể lên đến hàng nghìn trang. Trong số các tài liệu lưu lại còn có nhiều tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
 
Theo ông Nguyễn Đăng Vũ thì vấn đề đặt ra là cần phải nhận diện đúng giá trị của từng loại hình di sản Hán Nôm và cần phải có những giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trước nguy cơ thất lạc bởi nhiều yếu tố. 
 
Các đại biểu tại hội thảo cũng đã tham gia trình bày các tham luận “Tổng quan về di sản Hán Nôm trên huyện đảo lý Sơn”, “Minh văn chữ Hán trên hàng hóa gốm sứ trong hai con tài cổ đã khai quật ở vùng biển Quảng Ngãi”, khảo cứu tư liệu xã chí tỉnh Quảng Ngãi, giới thiệu về các báo cáo của nhóm Phân viện VHNTQG tại TP.Huế. Các đại biểu cũng đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn di sản Hán Nôm.
 
Ban chủ nhiệm đề tài Trao tặng phiên bản sắc phong Quang Chiếu vương Mai Đình Dõng cho nhà thờ Quang Chiếu vương.
Trao tặng phiên bản sắc phong Quang Chiếu vương Mai Đình Dõng cho nhà thờ Quang Chiếu vương.
 
Dịp này, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, dịch thuật, phân loại, đánh giá tư liệu Hán Nôm tỉnh Quảng Ngãi” cũng đã trao tặng phiên bản sắc phong Quang Chiếu vương Mai Đình Dõng cho nhà thờ Quang Chiếu vương.
 
Bên lề hội thảo, BTC còn trưng bày gần 50 tài liệu Hán Nôm của dòng họ Trương làng Mỹ Khê và 18 sắc phong còn lưu ở chùa Hoa Sơn, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi).
 
Thiên Hậu-  Thanh Nhàn
 

.