Đừng ngại "không phần trăm"

02:07, 22/07/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mười hai năm trước, năm 2007, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng của huyện vùng cao Sơn Tây đã “lập kỷ lục” đáng buồn: Không một thí sinh nào của trường đỗ tốt nghiệp THPT. Những tưởng chuyện đáng buồn ấy sẽ không lặp lại, thì Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cụm từ “không phần trăm” lại xuất hiện ở Quảng Ngãi. Lần này thuộc về Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề huyện Minh Long.
TIN LIÊN QUAN

Có người hỏi tôi có buồn không? Tôi trả lời ngay: không! Vì sao? Vì nó phản ánh trung thực về một kỳ thi nghiêm túc.

Vì vậy, đừng nhìn vào chuyện “không phần trăm” của kỳ thi vừa rồi để đánh giá sự sa sút của giáo dục Quảng Ngãi. Với 13 thí sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên -hướng nghiệp dạy nghề huyện Minh Long tham gia kỳ thi, nhưng không một em nào đỗ, thì cũng không việc gì phải quá bận tâm cả. Cái mà các nhà quản lý giáo dục ở Quảng Ngãi cần “bận tâm” hơn là tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh chỉ đạt 85,92%, thấp hơn gần 7% của năm học trước, xếp 55/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Năm nay, dù có đến 100% em đỗ tốt nghiệp, nhưng Trường chuyên Lê Khiết tỏ ra hụt hơi so với trường huyện về số học sinh đạt điểm cao nhất. Với đầu vào quá khó như Trường chuyên Lê Khiết mà thi tốt nghiệp “không rớt em nào” thì cũng không có gì để khen cả, nhưng trường chuyên mà không có học sinh “dẫn đầu tỉnh” thì là chuyện kém vui vậy. Nó chứng tỏ một điều rằng, trường chuyên không còn là địa chỉ hấp dẫn để những học sinh có năng lực ở các địa phương đổ về theo học như trước đây nữa, mà học ở đâu cũng có thể giỏi, nếu chịu khó trui rèn.

Thống kê cho biết, năm nay toàn tỉnh có 12.751 học sinh đăng ký dự thi; chỉ có gần 86% đỗ tốt nghiệp, tức là có khoảng 1.700 em “hết cơ hội tốt nghiệp”, ít ra thì cũng trong năm này. Lại nữa, trong số chừng 11.000 em tốt nghiệp nói trên, thì cũng không phải tất cả đều vào đại học hoặc cao đẳng.

Vậy, những em chẳng may trượt tốt nghiệp hoặc đỗ, nhưng không đủ điểm để vào đại học hoặc cao đẳng thì làm gì? Không lẽ rơi vào ngõ cụt sao? Dĩ nhiên là không có “ngõ cụt” nào dành cho những học sinh kém may ấy cả. Có trăm ngả để vào đời chứ không hẳn cánh cổng các trường đại học hoặc cao đẳng mới là lối vào đời duy nhất.
 
Vả lại, hàng chục vạn sinh viên tốt nghiệp đại học mà vẫn thất nghiệp cũng đã nói lên rất nhiều điều về câu chuyện “vào đại học bằng mọi giá” của không ít phụ huynh thời gian qua. Tiền bạc, công sức đổ ra cho con không biết bao nhiêu mà kể, nhưng cuối cùng thì mọi kỳ vọng của cha mẹ về con mình đã bị đổ vỡ không ít.

Các em vừa trải qua một kỳ thi đầy cam go sau 12 năm đèn sách. Kết quả như thế nào thì cũng đã biết cả rồi. Người đỗ thì vui mừng, người kém may thì buồn. Nhưng rồi mọi thứ cũng sẽ qua nhanh, vì các em còn có cả một cuộc đời dài rộng phía trước. Vì vậy, “không phần trăm” thì có đáng ngại gì!
 
 TRẦN ĐĂNG
 

.