Biết ơn và trân trọng quá khứ

02:07, 08/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ba mươi năm, thật là dài. Nhưng cũng chỉ là một cái chớp mắt của thời gian. Tháng 7 này, chúng ta kỷ niệm 30 năm ngày tỉnh Quảng Ngãi trở lại đúng tên gọi sau 14 năm sáp nhập với Bình Định để trở thành tỉnh Nghĩa Bình. Bây giờ ngồi nhớ lại 30 năm trước, ai cũng cảm thấy nôn nao.

TIN LIÊN QUAN

Lúc bấy giờ, mỗi một người Quảng Ngãi đều cảm thấy tự hào rằng, trong chất chồng gian khó ấy, họ vẫn đùm bọc, cưu mang nhau, vượt qua mọi khó khăn để “làm lại từ đầu”.

Ông Trần Anh Kiệt, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, người đã chứng kiến toàn bộ cuộc sáp nhập và chia tách của Quảng Ngãi đã có lần tiết lộ rằng, lúc mới chia tỉnh, lục trong ngân khố của tỉnh nhà chưa đến 100 triệu đồng! Vì thế, các đồng chí lãnh đạo tỉnh ngày đó luôn có mặt tại Hà Nội để “trình bày hoàn cảnh” với Chính phủ để có tiền về đầu tư xây dựng tỉnh nhà.

Trong chiến tranh, Quảng Ngãi là một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất. Rồi ngày nhập tỉnh và tách tỉnh, thị xã Quảng Ngãi vẫn y nguyên! Nói ra điều đó để chúng ta - những thế hệ đi sau, cần phải chia sẻ những gian khó của những bậc tiền bối. Mới đây, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã làm một nghĩa cử rất đáng ghi nhận: Thăm và trao quà cho những vị lãnh đạo tiền bối lúc mới tách tỉnh và đến tận nhà để chia sẻ những khó khăn với những vị lãnh đạo ở trung ương cùng những nhà khoa học đã giúp tỉnh Quảng Ngãi ngay trong buổi đầu gian khó ấy. Nhiều vị quá bất ngờ trước nghĩa cử thủy chung này của thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi hôm nay. Biết ơn và trân trọng quá khứ, đó là phẩm chất cần thiết của thế hệ đi sau.

Một bài báo ngắn này không thể liệt kê ra hết những thành tựu mà cán bộ và nhân dân tỉnh nhà đã làm được trong 30 năm qua, chỉ biết rằng, tên gọi Quảng Ngãi đã không còn xa lạ với bạn bè trong nước và quốc tế như 30 năm trước.

Những địa danh một thời hào hùng thời chiến tranh giờ bắt đầu ẩn mình trong những trang sách lịch sử. Thay vào đó là tên của những vùng đất mới, những dự án mới, đủ sức lay động và mời gọi du khách thập phương. “Phải như thế nào thì người ta mới đến với mình chứ?”. Câu nói đó của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói lên đầy đủ ý nghĩa, vị thế của miền Ấn Trà này rồi.

TRẦN ĐĂNG


 


.