Một cách tri ân

10:06, 03/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Thế giới Facebook” đang tràn ngập chuyện khoe. Phụ huynh thì khoe con học giỏi, mà thời buổi đang lạm phát học sinh giỏi, nên ai cũng có thể khoe; học sinh thì khoe đủ các cảnh chia tay trường lớp. Trong trào lưu chung về “khoe” ấy, có những em học sinh đã “khoe” theo cách của mình. Xuất hiện trên mạng chừng vài giờ đã có hàng nghìn lượt chia sẻ và bày tỏ sự ngưỡng mộ về cách “khoe” này.

Đó là trường hợp của em Hồ Thanh Hiền, học sinh lớp 11, Trường THPT Xuân Hưng huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và người cha của mình - ông Hồ Xây Phát, hay còn gọi là “ông Dũng cá viên chiên”. Khoe như thế, trong trường hợp này được xem như một cách tri ân đấng sinh thành của đạo làm con.

“Ông Dũng cá viên chiên” hạnh phúc bên con gái Ảnh: ITN
“Ông Dũng cá viên chiên” hạnh phúc bên con gái Ảnh: ITN


Ông Dũng “cá viên chiên” có ba người con, Hiền là con út. Anh chị của Hiền, người đã đi làm, người còn đang học đại học. Từng lặn lội tận Đăk Lăk để tìm kế sinh nhai, nhưng rồi cuộc sống quá khó khăn, sợ con thất học, ông Dũng bán hết gia sản về Đồng Nai và gắn với nghề “cá viên chiên” cho đến tận hôm nay. Là con gái út, được cha cưng chiều, song Hiền không đòi hỏi gì, nguyện vọng lớn nhất của em là muốn cha đi lắp hai chiếc răng cửa bị mất và phải mang đôi dép lành lặn mà anh hai mua tặng cha.

“Nguyện vọng” đó bất thành, vì người cha lam lũ ấy gần như quên nghĩ cho bản thân mình mà dành toàn bộ tình thương và tiền bạc để nuôi con. Sợ tốn kém mấy trăm nghìn đồng cho một chiếc răng giả, ông Dũng “cá viên chiên” vẫn để nguyên hàm răng bị mất mấy chiếc và vẫn mang đôi dép được buộc bằng đủ các loại dây ấy đến trường chia vui cùng con nhân tổng kết năm học.

Và đứa con gái út của ông đã làm cho tất cả mọi người phải ngạc nhiên khi em chọn cách “khoe” mình trên Facebook. Hiền nhờ chú thợ ảnh chụp cho hai cha con bộ ảnh “ngộ” nhất trường hôm ấy. Đợi các bạn tan cuộc họp tổng kết cuối năm, em rủ cha đi dạo quanh sân trường, lần theo dấu chân đứa con đã hai năm qua gắn bó đến từng viên sỏi trong khuôn viên để lưu lại những khoảnh khắc tự nhiên nhất.

Người cha ấy quá vui, đến nỗi quên mất là mình đang mang một đôi dép cũ chằng buộc đủ loại dây, quên luôn mình đã sứt mấy chiếc răng cửa mà vẫn cười hết cỡ.

Cũng cần nhắc lại điều này: Không ít em học sinh luôn mặc cảm với thân phận mình, thường che giấu thành phần xuất thân, sợ bạn bè biết về sự khó nghèo, lam lũ của cha mẹ mình. Thậm chí, để “trốn” thân phận mình, nhiều em đã mạo danh, vơ vào mình những điều không có về bản thân và gia đình.

Các em ấy đâu biết rằng, chính những hình ảnh lam lũ của người cha đã lay thức bao tấm lòng ngỡ như nguội lạnh trước cuộc sống xô bồ hôm nay. Em Hiền đã xem sự lam lũ của cha mẹ như một động lực để em vượt lên nghịch cảnh.

Có lẽ đó là “phần thưởng” lớn lao và có ý nghĩa nhất mà đứa con dành cho đấng sinh thành, chứ không hẳn là những tấm giấy khen “học sinh giỏi” mà lòng thì vô cảm trước những nỗi đau. Tri ân cha mẹ bằng cách này, thật đáng để nhiều em phải suy ngẫm lại bản thân mình.


TRẦN ĐĂNG
 


.