Cần thiết, nhưng phải hợp lý

09:06, 25/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, kinh tế - xã hội nước ta đã có bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, công tác đô thị hóa không ngừng được đẩy mạnh và ngày càng hiện đại, khoa học hơn. Để sự phát triển đó trở nên hài hòa, bền vững, mọi người dân đều có quyền được thụ hưởng, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các tỉnh, thành phải thực hiện nghiêm túc việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội ở các đô thị nhằm phục vụ người dân có thu nhập thấp. Đây là một chủ trương cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển đô thị hiện nay.

TIN LIÊN QUAN

Tại Điều 5, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có nêu: “Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất và hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên phải dành 20% diện tích đất trong dự án... để xây dựng nhà ở xã hội”.

Tuy nhiên, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, vấn đề này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc; đồng thời cũng phát sinh một số vấn đề bất cập khi thực hiện chủ trương trên, cần có giải pháp để xử lý. Đó là, từ khi Nghị định 100 của Chính phủ ra đời, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đã có hàng chục dự án khu dân cư, khu đô thị được cấp phép xây dựng, chấp thuận đầu tư, với tổng diện tích khá lớn, nhưng theo báo cáo của cơ quan chức năng, thì chỉ có khoảng 5ha đất được bố trí để phát triển nhà ở xã hội, tập trung ở các dự án: Khu đô thị Phú Mỹ, Khu đô thị Thương mại và dịch vụ VSIP, Khu đô thị Nghĩa Hà... Điều đó cho thấy, vẫn còn nhiều dự án chưa thực hiện đúng Nghị định 100 của Chính phủ, nhưng các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa xem xét trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ đầu tư.

Mặt khác, đối với quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội (5ha) hiện nay trên địa bàn TP.Quảng Ngãi vẫn chưa được sử dụng và không phát huy hiệu quả sử dụng đất. Theo nhận định của các ngành chức năng, nguyên nhân của vấn đề này là do các nhà đầu tư nhận thấy trên địa bàn thành phố chưa có nhu cầu về nhà ở xã hội, nên không triển khai đầu tư. Đây cũng là lý do để tỉnh đề xuất Chính phủ cho phép không bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội ở 14 xã của thành phố (chỉ thực hiện ở các phường); đồng thời cho phép một số nhà đầu tư lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Đề xuất trên của tỉnh có thể hợp lý trong một giai đoạn ngắn. Bởi lẽ, bài học từ việc thiếu quỹ đất để bố trí xây dựng nhà ở xã hội ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... trong những năm qua rất đáng để Quảng Ngãi nghiên cứu, từ đó đề ra những chủ trương hợp lý hơn, vì trong những năm đến, áp lực dân số ở các đô thị sẽ tăng nhanh khi đô thị hóa chuyển mạnh về nông thôn, trong khi quỹ đất ở đô thị thì ngày càng bị thu hẹp.

ĐỨC NGUYỄN
 


.