Dâng hương tưởng niệm 72 năm ngày mất Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng

05:04, 19/04/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 19.4, tại Di tích mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn (TP. Quảng Ngãi), lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 72 năm ngày mất Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (21.4.1947- 21.4.2019). 
Dự lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam; lãnh đạo huyện Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi (Quảng Ngãi) và huyện Tiên Phước (Quảng Nam); cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi.
 
Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ cụ Huỳnh Thúc Kháng, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 
 
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh), sinh ngày 1 tháng 10 năm Bính Tý (1876) tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). 
 
Năm 1900, cụ đỗ giải Nguyên kỳ thi Hương và đến năm 1904 đỗ tiến sỹ. Kế thừa truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam và quê hương Quảng Nam, cụ Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan mà dấn thân vào các hoạt động yêu nước diễn ra sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX. 
 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam dành phút mặc niệm tưởng nhớ cụ Huỳnh Thúc Kháng
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam dành phút mặc niệm tưởng nhớ cụ Huỳnh Thúc Kháng

 

Các đại biểu dâng hương tại Di tích mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng
Các đại biểu dâng hương tại Di tích mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng.
 
Năm 1904, Cụ cùng các sỹ phu yêu nước nổi tiếng đương thời như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can… khởi xướng phong trào Duy Tân, tích cực vận động, tuyên truyền trong nhân dân tinh thần yêu nước, đấu tranh đòi chính quyền thực dân thực hiện cải cách với tinh thần "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho người dân… 
 
Năm 1908, cụ bị thực dân Pháp bắt đày đi ở Côn Đảo suốt 13 năm. Sau khi được trả lại tự do, cụ tiếp tục hoạt động yêu nước và đến năm 1926, cụ ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, được cử làm Viện trưởng, làm báo Tiếng Dân, tích cực đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải ban hành các quyền dân sinh, dân chủ, cải cách thể chế chính trị thuộc địa…
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ được Hồ Chủ tịch mời tham gia Chính phủ với cương vị Bộ trưởng Nội vụ. Năm 1946, khi Bác Hồ sang Pháp cụ được giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa .
 
Cuối năm 1946, cụ được cử làm Đặc phái viên của Chính phủ vào Ủy ban Kháng chiến- Hành chính Nam Trung Bộ. Ngày 21.4.1947, cụ lâm bệnh nặng và mất tại thôn Phú Bình, xã Hành Phong, nay là thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.
 
Sau lễ dâng hương, hoa tưởng niệm tại Di tích mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng trên đỉnh núi Thiên Ấn, các đại biểu đã đến dâng hương tại Di tích trụ sở Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tại thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, nơi cụ Huỳnh ở và làm việc tại Quảng Ngãi trong những năm kháng chiến chống Pháp.
 
Cũng trong sáng nay, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam cũng đã đến dâng hương tại mộ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành).
 
 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam dâng hương tại mộ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam dâng hương tại mộ đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ
 
Đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ sinh năm 1914, tại xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, là bậc tiền bối lão thành cách mạng, có công lao to lớn trong việc sáng lập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
 
Năm 1945, ông được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách Công vận. Ngày 27.5.1946, Hội nghị đại biểu công nhân toàn quốc họp ở Hà Nội quyết định thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông được cử giữ chức Tổng Thư ký, được cử vào Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn thế giới.
 
Năm 1949, trên đường từ Quảng Ngãi ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới, ông bị bệnh nặng và mất tại Quảng Ngãi (ngày 27.4.1949), an táng tại xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành.
 
H.P

.