Bảo vệ đặc sản vùng miền

09:04, 05/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bảo vệ đặc sản vùng miền là câu chuyện của thế giới, chứ không riêng của quốc gia nào. Vì mỗi quốc gia đều có những sản phẩm địa phương đã trở thành đặc sản và mỗi quốc gia đều phải biết trân quý những đặc sản ấy, tìm nhiều phương cách để giới thiệu những đặc sản ấy ra khu vực và thế giới.

TIN LIÊN QUAN

Tại sao người Thái lại “chôm” thương hiệu “Nước mắm Phú Quốc” của Việt Nam, khi đưa sản phẩm làm “nhái” ra bán ở các thị trường Châu Âu và Mỹ dưới tên gọi “Nuoc mam Phu Quoc” (không có dấu)? Đơn giản, chỉ vì nước mắm Phú Quốc từ lâu đời đã nổi tiếng thơm ngon, với những bí quyết chế biến riêng của người làm mắm Phú Quốc.

Nước mắm Phan Thiết, hay mắm nước làm từ ruốc của Thừa Thiên-Huế, mắm tôm chua Huế, nước mắm Tam Quan (Bình Định) có xuất xứ từ cách làm mắm của người Chàm... Chưa kể, còn rất nhiều món ăn đặc sản ở nhiều vùng miền của Việt Nam không chỉ người Việt yêu chuộng, mà khách du lịch trên khắp thế giới khi đến Việt Nam đều khen ngon, xuýt xoa khen lạ. Có lúc, một bậc thầy marketing thế giới là Philip Kotler đã nói, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành “Nhà bếp của thế giới”, cũng chính từ sự thẩm nhận những đặc sản ẩm thực vùng miền của Việt Nam.

Trong quyển sách rất “hot” hiện nay của Philip Kotler nhan đề: “Marketing 4.0”, “ông Vua Marketing thế giới” này đã chỉ rõ: “Thương hiệu phải định vị rõ ràng và nhất quán sự khác biệt của mình để hỗ trợ cho định vị. Định vị thương hiệu chủ yếu là một lời hứa hấp dẫn để giành được tâm trí và trái tim của khách hàng”.

Vậy thì lẽ ra, Việt Nam cần định vị “rõ ràng và nhất quán sự khác biệt” cho những đặc sản vùng miền của mình để giới thiệu ra thế giới, chứ không phải dùng những tiêu chí “phi truyền thống” như đo lượng Histamine trong nước mắm làm từ cá, để bắt bẻ những đặc sản truyền thống, khiến những đặc sản từ bao đời được ưa chuộng này đứng trước những nguy cơ bị nghi ngờ về độ “an toàn thực phẩm”(?).

Dĩ nhiên, bất cứ thực phẩm nào cũng cần sự an toàn, nhưng tiêu chí an toàn của từng đặc sản phải mang tính đặc thù của nó, chứ không phải được áp dụng chung chung bằng những tiêu chí dành cho thực phẩm công nghiệp.

Người Việt, mà không chỉ người Việt, phải có toàn quyền lựa chọn những đặc sản vùng miền của Việt Nam, mà không cần so sánh chúng với những thực phẩm công  nghiệp có những tiêu chuẩn riêng của nó. Nếu một ngày nào đó bạn có dịp đi viếng đền Bà Chúa Xứ ở dưới chân núi Sam (An Giang), bạn sẽ nghĩ ngay tới món mắm thái Châu Đốc nổi tiếng, và muốn mua một ít về ăn và làm quà cho gia đình, bạn bè. Cũng như vậy, khi bạn đi thăm Huế, bạn không thể bỏ qua món mắm tôm chua xứ Huế nổi tiếng, món kẹo mè xửng và nhiều món “thực phẩm xú-vơ-nia” khác mà Huế cố đô dành cho du khách.

Tới Quảng Ngãi, bạn lại cố tìm cho được một quán don nhỏ bé đơn sơ để thưởng thức món don mộc mạc, nhưng là đặc sản của miền đất này. Những món ăn truyền thống đã thành đặc sản là đã được thực khách và người bản địa ăn từ hàng trăm năm nay và hơn thế. Không có gì phải “lăn tăn” khi thưởng thức chúng cả.

Cũng như vậy, nước mắm Phan Thiết đã vào thơ Xuân Diệu từ ngót nửa thế kỷ trước: “Nước mắm Phan Thiết ngon/ Nhớ hoài đầu lưỡi đậm... Ôi Phan Thiết thân thiết/ Phan Thiết tha thiết ơi!/ Thăm kinh đô cá mắm/ Về thêm khoẻ hồn tôi” (“Phan Thiết” - Thơ Xuân Diệu). Chỉ nghe mùi nước mắm truyền thống của Phan Thiết, đã thấy khỏe cả người!

Chúng ta đang ở thế kỷ XXI, nhưng nhiều loại thực phẩm đặc sản vùng miền của nước ta đã có tuổi thọ hàng nghìn năm. Bảo vệ và giới thiệu những đặc sản vùng miền này ra khỏi biên giới quốc gia là trách nhiệm của những cơ quan chức năng, là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam.

THANH THẢO
 


.