Du lịch miền Trung nhìn về Quảng Ngãi

09:02, 28/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung- Tây Nguyên diễn ra ngày 16.2 ở Huế, nhiều điểm yếu kém của du lịch miền Trung -Tây Nguyên đã được mổ xẻ khá thẳng thắn. Cả 19 tỉnh, thành trong khu vực này đều có những thế mạnh hiển nhiên về du lịch, nhưng nhiều nơi không khai thác tốt được những thế mạnh này.

TIN LIÊN QUAN

Ngay một tỉnh như Thừa Thiên-Huế có tới 5 di sản được UNESCO công nhận, nhưng trong năm 2018 chỉ thu hút được 4,1 triệu lượt khách, doanh thu 4.100 tỷ đồng, nếu chia ra thì mỗi du khách tới tỉnh này chỉ tiêu đúng... 1 triệu đồng, một con số rất thấp trong doanh thu du lịch.

Thu tiền từ du khách ít, nhưng “chặt chém” du khách lại hơi bị nhiều. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra vấn nạn này: “Ở miền Trung, tiềm năng du lịch lớn như vậy, nhưng phải triệt tiêu những từ khóa như “chặt chém”. Hiện có 3,74 triệu tin bài liên quan từ khóa “chặt chém” này.

Nhà hàng ở TP.Nha Trang bán đĩa trứng xào cà chua 500.000 đồng có phải là hiện tượng xấu không? Rồi xích lô đi lòng vòng lúc đầu đưa giá 20.000 đồng sau lấy 200.000 đồng”. Còn PGS.TS Trần Đình Thiên thì nói: "Miền Trung - Tây Nguyên có thế mạnh du lịch nhất nước. Nhưng mà cái mạnh nhất đó là mạnh ai nấy làm, nên các thế mạnh du lịch đó không phát huy được".

Phải nói, với Việt Nam bây giờ, lợi thế về du lịch là lợi thế rất lớn, tiềm năng kinh tế du lịch cũng là tiềm năng rất lớn, nhưng thực tế về du lịch Việt Nam lại đang ở mức kém so với khu vực và thế giới.

Còn từ du lịch miền Trung-Tây Nguyên nhìn về du lịch Quảng Ngãi, ta thấy những tương đồng và khác biệt gì? Trong hội nghị du lịch này, Quảng Ngãi là địa phương gần như không được nhắc đến, dù Quảng Ngãi cũng có du lịch như bất cứ tỉnh, thành nào.

Có lẽ vì tính tự phát trong du lịch Quảng Ngãi quá mạnh, nhưng hiệu quả thu được lại thấp, và nếu tổng kết về doanh thu hay số lượng du khách, thì Quảng Ngãi hoàn toàn không so sánh được ngay với những tỉnh láng giềng của mình là Quảng Nam và Bình Định. Kể cả với Gia Lai, một tỉnh thuộc Tây Nguyên, du lịch Quảng Ngãi cũng còn yếu hơn.

Quảng Ngãi không chỉ có đảo Lý Sơn là điểm du lịch duy nhất, nhưng thực tế lâu nay vẫn chỉ có Lý Sơn là nơi thu hút được nhiều du khách nhất cho du lịch Quảng Ngãi. Trong khi Lý Sơn lại đang có tình trạng du lịch theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Những cái được từ du lịch đảo Lý Sơn thì ai cũng thấy, nhưng những cái chưa được của nó cũng phơi bày ngay trước mắt du khách. Tình trạng “bê tông hóa” đảo này đang diễn ra khá “quyết liệt”.

Thiên nhiên hoang sơ đang bị thu hẹp một cách đáng lo ngại, không khéo chỉ còn đảo Bé là giữ được những nét hoang sơ này. Mà du khách tới Lý Sơn không phải để ở trong những ngôi nhà “bê tông hóa”, mà để hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, tận hưởng cái đẹp “chưa được mài giũa” và thụ hưởng những lễ hội đầy tinh thần yêu nước mà cư dân đảo này vẫn tổ chức hằng năm. Trong khi có lượng khách du lịch khá đông đảo tới Lý Sơn, thì Quảng Ngãi lại đang bỏ trống rất nhiều địa chỉ có thể trở thành những điểm du lịch thu hút khách, đặc biệt là các điểm du lịch ở miền núi Quảng Ngãi.

Trong phát biểu kết luận Hội nghị Xúc tiến du lịch miền Trung - Tây Nguyên tại Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt hàng 5 đầu việc cho du lịch miền Trung - Tây nguyên, đó là làm thế nào cho khách đến đông hơn? Làm thế nào để khách ở lại lâu hơn? Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn? Làm thế nào để khách kể lại câu chuyện về Việt Nam với bạn bè người thân đầy hứng khởi thay vì là chuyện xấu? Làm thế nào để du khách quay trở lại chứ không phải một đi không trở lại?

Nhưng với du lịch miền Trung, còn một vấn đề quan trọng nữa: Đó là quy hoạch du lịch, làm sao bảo đảm gìn giữ di sản, gìn giữ thiên nhiên hoang sơ, vì đó là thế mạnh đặc biệt của du lịch vùng đất này. Quảng Ngãi cũng không nằm ngoài vấn đề cần gìn giữ đó.


 THANH THẢO
 


.