Giáo dục là kích hoạt những cảm xúc tích cực

09:01, 01/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giáo dục trong thời kỳ hiện đại nhằm tới việc xây dựng con người học sinh trở thành những người có cảm xúc tích cực, hướng tới cộng đồng, quan tâm tới người khác và tự hiểu mình. Muốn đạt tới mục đích ấy, thì điều kiện tiên quyết là môi trường giáo dục phải tạo mọi điều kiện cho học sinh học tập tự do và mọi yếu tố bạo lực hoặc đe dọa phải bị bãi bỏ và ngăn ngừa.


Khi bạo lực học đường dù dưới bất kỳ hình thức nào chưa bị triệt tiêu, chưa bị ngăn chặn một cách hữu hiệu, thì mục tiêu giáo dục hướng tới cộng đồng, cảm xúc và nhân ái vẫn chưa thể thực hiện được.

Có một thực trạng rất đáng lo ngại, là hiện nay, tính cộng đồng ngay trong nhà trường chưa được đề cao, học sinh khi đi học chưa được thoải mái để giao tiếp với nhau, giao tiếp với giáo viên, tìm và học hỏi lẫn nhau cũng như học hỏi ở thầy cô giáo.

Ngay ở bậc đại học, việc sinh viên bây giờ chủ động tiếp xúc với thầy cô giáo, không phải để xin điểm, mà để học hỏi, trao đổi, đàm đạo về kiến thức là rất hiếm. Khoảng cách giữa thầy và trò bây giờ bị dãn ra, không còn thân mật như hồi xưa chúng tôi đi học. Đó thực sự là điều không tốt.

Tuy nhiên, muốn thay đổi nó, thì sự thay đổi phải đến từ hai phía: Người dạy và người học. Và quan trọng hơn, phải đến từ chính môi trường học tập. Một môi trường học tập theo kiểu “thầy đọc trò chép”, thì không bao giờ có sự giao tiếp cởi mở, có được sự hòa đồng và tìm tòi học hỏi, sự trao truyền kiến thức và những kỹ năng sống.

Bây giờ, người ta tổ chức nhiều lớp học về kỹ năng sống, những bài học lẽ ra phải được học ngay trong nhà trường vào những giờ chính khóa hay ngoại khóa. Bởi chuyện kỹ năng sống là chuyện học sinh bắt buộc phải biết, phải thấm nhuần. Trong những kỹ năng sống ấy, thì việc giao tiếp với cộng đồng, việc kết nối với người khác, việc biết sống không chỉ cho mình và vì mình, mà còn cho cộng đồng, vì người khác. Một xã hội chỉ thực sự lành mạnh nếu những công dân của nó tự biết trách nhiệm cũng như những mục tiêu sống của mình là tích cực với cộng đồng, với nhân dân, với đất nước. Khởi

động, kích hoạt được những cảm xúc tích cực như thế từ mỗi học sinh, thì nền giáo dục tự nhiên sẽ tích cực và đầy nhân ái. Vì sự nhân ái vốn có nguồn gốc trong “tính bản thiện” của mỗi con người, nhưng nếu được kích hoạt thường xuyên và kiên trì trong môi trường giáo dục, thì sẽ trở thành một đức tính cơ bản của con người.

Chúng ta hay nói “học làm người” hay “dạy làm người”, nhưng nếu đó chỉ là những khẩu hiệu chung chung mà không có những biện pháp, những bài học thực hành cụ thể, thì sẽ rất khó thành hiện thực.

Những đứa trẻ từ khi đi mẫu giáo tới những năm học đầu tiên của bậc tiểu học, phải được hướng tới những sinh hoạt tập thể mang tính cộng đồng, phải được dạy bảo về tình yêu lao động, yêu người lao động và biết yêu thích lao động. Đó là những bài học mà ngày xưa chúng tôi thường xuyên được học. Không chỉ học, mà hành, và có được những kỹ năng lao động, từ đơn giản trở đi.

Chỉ những người lao động mới biết thông cảm và thương yêu những người lao động. Hãy dạy cho học sinh bài học cụ thể đó. Nếu đến việc dọn vệ sinh lớp học hằng ngày cũng thuê người làm, thuê tạp vụ, thì lấy đâu ra những học sinh biết yêu lao động, yêu người lao động, biết gắn bó với tập thể.

Giáo dục phải bắt đầu từ những việc cụ thể và “học” phải đi đôi với “hành”. Hành động, hành xử, hành trình, nếu ba cái “hành” ấy tốt, chuẩn mực, thì việc học sẽ hanh thông.  

    
 THANH THẢO

 


.