Du lịch thông minh

10:01, 28/01/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Du lịch thông minh đang phát triển theo hai hướng: Một là, sử dụng công nghệ số, bán hàng qua kênh online, tư vấn cho khách hàng qua fanpage, tiếp thị khách hàng qua kỹ thuật số, quảng cáo cũng qua các trang mạng. Có công ty còn dùng người máy để tư vấn cho khách hàng.

Kỷ nguyên số mở ra cho ngành du lịch con đường nhanh nhất và ngắn nhất tiếp cận khách hàng và nhiều phương thức thuận tiện nhất để phục vụ khách hàng trong dịch vụ du lịch.

TIN LIÊN QUAN

Hai là, với chiếc điện thoại thông minh, khách hàng có thể đặt tour du lịch 24/24 giờ, công ty lữ hành phục vụ khách bất kể ngày đêm, lúc nào cũng có nhân viên thỏa mãn các nhu cầu mua sắm tour của khách.

Sự thuận lợi đã lên ngôi trong ngành du lịch lữ hành. Vấn đề chỉ là, các công ty lữ hành phải kết hợp tốt nhất với những điểm du lịch, nhất là du lịch khám phá, du lịch có yếu tố mạo hiểm.
 

Quảng Ngãi đang khởi phát trong du lịch. Đây là thời điểm các công ty du lịch lữ hành nên chuyển đổi phương thức tiếp cận khách hàng qua kỹ thuật số, đồng thời vẫn duy trì phương thức bán hàng truyền thống để phục vụ tốt nhất cho mọi nhu cầu của khách hàng.

Xu hướng du lịch biển đảo, du lịch khám phá lên vùng núi đang là xu hướng phát triển mạnh trong du lịch Việt Nam. Với Quảng Ngãi, có những điểm du lịch khám phá rất  tuyệt như núi Cà Đam, như vùng núi Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Ba Tơ, nếu biết tổ chức các chương trình du lịch thì có thể thu hút được khách, nhất là vào mùa xuân hay mùa hè.

Lý Sơn vẫn là điểm du lịch lớn nhất Quảng Ngãi trong hiện tại, nhưng bản đồ du lịch Quảng Ngãi có thể dịch chuyển trong tương lai gần, nếu những vùng miền núi Quảng Ngãi trở thành những điểm du lịch khám phá, du lịch leo núi, du lịch văn hóa các dân tộc ít người, du lịch sinh thái. Đó là vùng du lịch đầy tiềm năng mà Quảng Ngãi đang bỏ trống.

Muốn kéo khách du lịch, trước tiên, phải quảng bá các vùng du lịch, các điểm du lịch. Bây giờ, mạng internet đã giúp cho sự quảng bá trở nên thuận tiện rất nhiều. Vấn đề là phải thiết kế các trang quảng bá trên mạng, và tìm cách thu hút người xem bằng những thông tin hấp dẫn. Dĩ nhiên, phải “có bột mới gột nên hồ”, phải có những vùng du lịch, những điểm du lịch sẵn sàng đón khách và hướng dẫn khách du lịch, đồng thời phục vụ những nhu cầu khám phá của khách, từ khám phá văn hóa tới khám phá thiên nhiên và ẩm thực...

Với du lịch khám phá, du lịch văn hóa, thì không cần phải xây dựng những resort hay những khách sạn “hoành tráng”, mà chỉ cần tổ chức được hình thức du lịch homestay, miễn bảo đảm những tiện nghi sinh hoạt bình thường, vệ sinh sạch sẽ cho du khách. Lên du lịch miền núi mà được ở nhà sàn với cư dân bản địa vẫn thú vị hơn nhiều là ở resort hay khách sạn. Vấn đề là biết tổ chức, chứ không phải dùng tiền nhiều.

Cần phải tính, với những hình thức du lịch như thế, phần thu được không chỉ là lợi nhuận cho các công ty lữ hành hay các địa phương có điểm du lịch, mà phần thu được về kiến thức, về ứng xử văn hóa, về tinh thần yêu nước, về niềm tự hào dân tộc phải được tính là “lợi nhuận tinh thần” cho du khách. Chưa kể, du khách còn được khoảng thời gian sảng khoái, thú vị khi đi du lịch như vậy.    

 
THANH THẢO
 


.