Phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XII:
"Mổ xẻ" những yếu kém trong quản lý và xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường

02:12, 12/12/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Vấn đề xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất, tình trạng ô nhiễm rác thải ở nông thôn, công tác quản lý, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường…là những vấn đề “nóng”, được nhiều đại biểu quan tâm, trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2016-2021 sáng 12.12.

TIN LIÊN QUAN

 
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã tham gia chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đỗ Minh Hải nhiều vấn đề xoay quanh lĩnh vực quản lý và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. 
 
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Tôn Long Hiếu- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh lo ngại, thực tế hiện nay, một số cơ sở sản xuất, nước thải được thải ra trong quá trình sản xuất sau khi xử lý được tuần hoàn tái sử dụng để sản xuất nhưng chưa được cơ quan nào đánh giá, xác nhận, nhất là các dự án sản xuất giấy. 
 
“Qua giám sát trực tiếp ở một số dự án sản xuất giấy được cơ quan chức năng chấp thuận trong đánh giá môi trường thì nước thải sản xuất sau khi xử lý được tuần hoàn tái sử dụng để sản xuất, nhưng chưa được cơ quan nào đánh giá, xác nhận chất lượng nước theo quy định. Câu hỏi chúng tôi đặt ra là, trách nhiệm thẩm định, đánh giá hồ sơ môi trường của Sở TN& MT trong các dự án này đến đâu?. Nguyên nhân vì sao trong đánh giá tác động môi trường cho phép tái sử dụng khi chưa được cơ quan chức năng đánh giá, xác nhận chất lượng nước thải được xử lý tuần hoàn ?” - đại biểu Tôn Long Hiếu kiến nghị.
 
 
Các đồng chí chủ trì phiên chất vấn
Các đồng chí chủ trì phiên chất vấn
 
Cùng với đó, một số đại biểu cũng cho rằng, trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cơ sở sản xuất có dây chuyền sản xuất thực tế khác hoàn toàn so với thiết kế theo hồ sơ đã được phê duyệt; phát sinh dây chuyền sản xuất mới nhưng chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường; một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết... 
 
Đại biểu Trần Văn Luật nêu thực tế, có trường hợp 2 cơ sở của 1 dự án đều có công nghệ sản xuất tương tự nhau và tác động đến môi trường trong giai đoạn vận hành giống nhau, nhưng biện pháp giảm thiểu bụi và hơi dung môi phát sinh tại các công đoạn này thì khác nhau.Trường hợp khác thì đánh giá tác động môi trường lại không sát với thực tế, một số khâu trong sản xuất có phát sinh ra bụi, khí thải, nước thải làm ảnh hưởng đến môi trường, không đảm bảo các quy định của pháp luật nhưng không được đề cập trong đánh giá tác động môi trường và cũng không được chủ đầu tư thực hiện bổ sung đánh giá tác động môi trường.
 
“Thực tế có doanh nghiệp hoạt động nhưng khi đoàn kiểm tra đến hỏi đánh giá tác động môi trường thì họ bảo là không biết. Họ không cung cấp được. Họ bảo hồi nào đến giờ họ chưa thấy, như vậy nhưng họ vẫn cứ hoạt động. Như vậy, căn cứ bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp này căn cứ vào đâu?”- đại biểu Trần Văn Luật băn khoăn. 
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBHQ tỉnh Lê Viết Chữ phát biểu tại phiên chất vấn
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBHQ tỉnh Lê Viết Chữ phát biểu tại phiên chất vấn
 
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành 4 Quyết định phê duyệt danh mục và lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Đến nay có 13/18 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được xửl ý, khắc phục; còn lại 5 đơn vị chưa được khắc phục như:  Doanh nghiệp tư nhân Hòa Thắng, xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà; cơ sở sản xuất giấy Sông Vệ Trần Kim Hoanh; Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ tổng hợp Phan Vũ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn; cơ sở chế biến thuộc da Ông Tạ Công Tâm, phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi và Trung tâm Giáo dục Lao động – xã hội, huyện Tư Nghĩa. 
 
Đại biểu Lê Na- huyện Bình Sơn cho rằng: Cơ sở chế biến thuộc da của ông Tạ Công Tâm không có hồ sơ pháp lý về môi trường; chưa có công trình xử lý nước thải; còn đối với Cơ sở sản xuất giấy Sông Vệ Trần Kim Hoanh thì công trình xử lý nước thải không đúng theo hồ sơ môi trường được phê duyệt, tại thời điểm Đoàn giám sát đi thực tế cơ sở có đấu nối đường ống để xả nước thải ra ngoài môi trường.
 
Đại biểu Lê Na nêu vấn đề:Tại sao các cơ sở này đã nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được UBND tỉnh phê duyệt, nhưng chậm được xử lý như vậy?
 
Giám đốc Sở TN& MT tỉnh Đỗ Minh Hải, cho biết: Năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 84 báo cáo đánh giá tác động môi trường. Do đơn vị thiếu cán bộ chuyên trách nên việc lập kế hoạch kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp không đầy đủ. Năm nay, Sở TN& MT chỉ mới triển khai 8 đợt thanh tra về môi trường tại 40 đơn vị.
 
Ông Đỗ Minh Hải thừa nhận, số lượng các cuộc thanh tra rất ít so với số lượng các cơ sở cần thanh tra. Chúng tôi sẽ tăng cường xây dựng chương trình trong năm 2019,  tăng cường công tác kiểm tra. Đặc biệt là các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng nằm trong danh sách cần phải di dời.
 
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính, nhìn nhận: Thời gian qua, việc đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng đối với các dự án có nơi đánh giá đúng, có nơi thì chưa sát thực tế. Công tác kiểm soát, hậu kiểm không tốt, đa số chỉ dừng lại ở khâu tiền kiểm.  
 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND cho rằng, UBND tỉnh sẽ có quy phạm, tiền kiểm phải làm kỹ nhưng phải đặc biệt quan tâm công tác hậu kiểm, phải kiểm soát. Đề nghị Sở TN& MT phải ra “tối hậu thư”, đóng cửa các cơ sở sản xuất nếu vi phạm về môi trường.
 
Các đại biểu tham chất vấn tại phiên họp
Các đại biểu tham chất vấn tại phiên họp
 
Một vấn đề nữa được các đại biểu đặt ra là tình trạng ô nhiễm rác thải ở nông thôn; và việc cần thiết phải đầu tư nhà hỏa táng cho người dân, đặc biệt là ở huyện đảo Lý Sơn để giải quyết vấn đề về môi trường, tạo cảnh quan du lịch.
 
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho rằng, rác thải là vấn đề nóng hiện nay không phải chỉ ở thành phố mà còn ở những vùng nông thôn. Hiện nay, về vùng nông thôn đi ở đâu cũng có rác hết. Rác thì kèm theo dịch bệnh. “Vậy giờ làm cách gì để giải quyết được việc này, Nhà nước có làm nổi hay không, nếu không nổi thì có cơ chế gì để huy động xã hội cùng làm”- Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đặt vấn đề.
 
Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt vấn đề với Sở TN& MT cùng với một số Sở, ngành liên quan là việc quy hoạch đầu tư xây dựng quản lý, vận hành các nghĩa địa nhân dân, nhà hỏa táng như thế nào kể cả ở khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Nên khuyến khích làm một vài trung tâm hỏa táng, có chính sách gì để vận động nhân dân thực hiện nhằm bảo vệ môi trường bền vững. 
 
Trả lời về những vấn đề Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ nêu ra, Giám đốc Sở TN& MT tỉnh Đỗ Minh Hải cho biết: Quan điểm của Sở thì chúng tôi thấy các cấp chính quyền, địa phương chúng ta cần phải kêu gọi mạnh mẽ xã hội hóa trong việc cung cấp nước sạch hợp vệ sinh cũng như thu gom, xử lý rác thải.
 
Đối với quy hoạch nghĩa địa mai táng thì vấn đề này chúng ta cũng đã đặt ra nhiều năm nay. Nhỏ như Lý Sơn đất hẹp người đông nhưng trong 10 năm chúng ta cũng chưa làm được vấn đề này. Nên tôi nghĩ chúng ta cũng cần kêu gọi xã hội hóa, tuy nhiên cũng khó vì thuộc về lĩnh vực tâm linh nên chúng ta phải tuyên truyền, vận động nhân dân lâu dài, không phải một sớm một chiều làm được.
 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đỗ Minh Hải trả lời chất vấn tại kỳ họp
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đỗ Minh Hải trả lời chất vấn tại kỳ họp
 
Đại biểu Huỳnh Văn Tố- đơn vị Mộ Đức cũng đặt vấn đề, Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đã có nhiều dự án công nghiệp nặng đầu tư vào tỉnh. Song vấn đề bảo vệ môi trường tại các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Đến năm 2017, Quảng Ngãi mới tiếp nhận dự liệu quan trắc môi trường tự động là quá chậm trễ, nguyên nhân do đâu? Giải pháp để tăng cường năng lực quan trắc và thông tin về môi trường theo hướng phát triển mạnh hệ thống quan trắc tự động, góp phần giám sát môi trường, giám sát một số nguồn thải trên địa bàn tỉnh.
 
Giám đốc Sở TN& MT Đỗ Minh Hải cho rằng, việc tiếp nhận dự liệu quan trắc môi trường tự động của tỉnh so với các tỉnh khác là không chậm. Hiện nay chúng tôi cũng tiến hành giám sát các đơn vị có xả thải lớn như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu Công nghiệp VSIP, Nhà máy tinh bột mỳ Sơn Hải (Sơn Hà). Qua theo dõi trong năm 2017 và 2018, nhiều lần chúng tôi phát hiện ra hàm lượng các chất vượt quy chuẩn cho phép, chúng tôi yêu cầu các đơn vị phải điều chỉnh.
 
Cũng trong sáng nay, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh về một số vấn đề liên quan lĩnh vực môi trường.
 
Chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục tham gia chất vấn về lĩnh vực y tế. Đây là lĩnh vực có nhiều vấn đề nổi cộm, ít nhiều gây hình ảnh xấu đối với người dân, bệnh nhân trong thời gian qua. 
 
M.Toàn- N.Đức
 
 

.