Nói xấu trên Facebook

04:12, 16/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc bêu xấu nhau trên Facebook bây giờ không còn là chuyện mới nữa. Mạng xã hội đã thành mảnh đất màu mỡ để ai cũng “có quyền” nói xấu người khác. Vì vậy, câu chuyện một nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Thanh Hóa “nói xấu thầy cô và nhà trường” đang ồn ào trên báo chí và mạng xã hội mấy ngày qua cũng nằm trong xu hướng này. Vậy phải làm gì để thích nghi với những điều thị phi như thế?

Trước hết phải khẳng định rằng, việc đuổi 7 học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi, chỉ là hạ sách. Ở đây chỉ bàn đến việc ứng xử dưới giác độ thầy trò chứ không nói đến luật, vì đọc tin nhắn mà không được sự đồng ý của các em là vi phạm đời tư rồi.

Đối với giáo dục, khi không còn con đường nào khác thì mới chọn phương án tách các em ra khỏi môi trường giáo dục, tức đuổi học. Còn nếu vẫn có cách níu giữ các em đứng bên này lằn ranh để hướng thiện thì đuổi học là điều không nên chút nào. Ở lứa tuổi vị thành niên như thế, việc hiếu động và dễ bị tổn thương dẫn đến quậy phá là điều khó tránh đối với các em. Vì vậy, nhà trường không chỉ “dạy” các em về kiến thức, mà còn “dỗ” các em để chúng trở thành người tốt trong tương lai. Có lẽ nhận thấy việc đuổi học là điều không phải đạo, nên nhà trường đã hủy quyết định trước đó.

Cách đây không lâu, tôi được biết, tại một trường THPT ở TP.Quảng Ngãi, một nhóm học sinh đã lập riêng cho mình một “sân chơi” và cũng “phê phán” thầy cô giáo và lãnh đạo nhà trường bằng những lời lẽ khó nghe. Dưới góc độ phụ huynh, tôi đã khuyên các cháu không nên làm như vậy dù sự phê phán đó đều nằm trong giới hạn của một nhóm chứ không phổ biến rộng rãi và các cháu đã “nghe lời” khuyên đó. Sự việc sau đó cũng đến tai giáo viên và nhà trường. Tuy nhiên, thay vì phê bình dưới cờ vào sáng thứ hai như cách vẫn thường thấy, thì nhà trường và các thầy cô bị các em “phê phán” ấy đã kịp thời điều chỉnh những điều chưa đúng mực với học trò.

Tôi không cổ súy việc “nói xấu thầy giáo”, song các thầy cô giáo và nhà trường cũng cần phải biết lắng nghe sự phản ứng của học trò. Cái gì có thể điều chỉnh, sửa sai được thì sửa ngay, những điều mà các em “dựng chuyện” để bêu xấu  mình thì các thầy cũng nên khuyên bảo nhẹ nhàng. Tôi tin rằng, một khi đã chân tình khuyên bảo nhau như những người cha, người mẹ thì chắc chắn các em sẽ nghe và trưởng thành hơn.

Nhân cách và phẩm hạnh của mỗi người phải được bắt nguồn từ sự bao dung và độ lượng. Môi trường giáo dục phải được trong lành thì xã hội mới tránh được sự ô nhiễm. Nhà trường và mỗi thầy cô giáo phải là những bộ lọc để lọc sự ô nhiễm đó.


TRẦN ĐĂNG


 


.