Không phải hiện tượng đơn lẻ

09:12, 03/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xin nói ngay, vụ cô giáo Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho học sinh lớp mình tát một em học sinh trong lớp do “nói tục” không hề là một hiện tượng duy nhất hay đơn lẻ.

Đã có nhiều trường trong nước áp dụng hình phạt kiểu này, nhưng chưa bị phát hiện, vì có lẽ chưa có trường nào mà thầy cô giáo bắt cả lớp tát một học sinh tới... 231 cái. Những cái tát được tính tới con số lẻ như thế đã phơi bày một thực trạng của ngành giáo dục mà lâu nay người ta cố tình che giấu, hay coi như “không có chuyện gì nghiêm trọng”.

Thực trạng ấy là bệnh chạy theo thành tích bằng mọi giá, từ thành tích của lớp, tới thành tích của trường, từ thành tích của giáo viên chủ nhiệm tới thành tích của hiệu trưởng. Trong các chủ trương giáo dục phản giáo dục, thì chủ trương lấy thành tích (chủ yếu là ảo) làm thước đo đánh giá kết quả giáo dục là chủ trương nguy hiểm nhất.

Tôi đã hỏi và được biết ngay ở địa phương mình cũng từng có những vụ cô giáo bắt học sinh tát bạn, để “trừng phạt”. Tuy nhiên, cả lớp đã không thực hiện. Đó chính là ý thức của các em học sinh nhỏ tuổi, các em không nỡ hành hạ bạn mình vì những lỗi cỏn con, các em từ chối, bất tuân những quyết định từ chính cô giáo của mình. Các em bé đó cũng chưa biết “phản biện” là gì, nhưng lương tâm bé bỏng của các em ngăn cản các em thực hiện những mệnh lệnh trái lẽ thường, trái đạo lý.

Nhưng không phải ở bất cứ trường nào, địa phương nào cũng có được những em học sinh nhỏ thắng được sự sợ hãi như vậy. Giáo dục không phải là “dạy bài học” theo kiểu bạo lực, là dạy sự sợ hãi cho học sinh, nhất là dùng chính học sinh thực hiện trò bạo lực với bạn mình, nhằm biến học sinh thành những “robot ngoan ngoãn” thực hiện mọi quyết định của giáo viên. Đó là kiểu giáo dục khuyến khích bạo lực học đường. Đừng trách, vì sao bây giờ học sinh, nhất là học sinh nữ, lại đánh nhau trong trường học một cách dữ dội, bạo liệt như thế? Chính giáo viên khi bắt học sinh tát bạn học của mình, đã dạy cho học sinh bài học kinh khủng đó.

Đây không còn là lỗi của một thầy giáo, cô giáo đơn lẻ nào, đây là lỗi của cả nền giáo dục. Còn nhớ, trong tất cả các lớp học thời chúng tôi học phổ thông ở miền Bắc, không bao giờ xảy ra tình trạng bạo lực này. Và thời đó, cũng không có những cú chạy theo thành tích một cách hoang đường như bây giờ. Và, cũng không hề có chuyện một lớp lại toàn học sinh giỏi. Quá viễn vông.

Hồi ấy, cả lớp chỉ có vài học sinh giỏi toàn diện và có một số ít học sinh giỏi từng môn học. Không có thi đua giữa lớp này với lớp khác, trừ thi đua lao động hay giữ vệ sinh chung. Không cạnh tranh giữa trường này với trường khác để lập “thành tích”. Chúng tôi cứ học bình thường, thầy cô giáo cứ dạy bình thường, thi cử cứ diễn ra bình thường. Vậy mà, nói thật, sức học của chúng tôi hồi ấy không hề thua học sinh bây giờ. Không học thêm, không xin điểm, không ai “cố gắng” để là học sinh giỏi, nhưng kết quả là trường học hồi ấy đã đào tạo ra biết bao nhiêu nhân tài, biết bao nhiêu người cống hiến tài năng và xương máu cho đất nước này để có một ngày thống nhất.

Bây giờ, khi bạo lực học đường đã không còn là chuyện cá biệt, đơn lẻ, thì người ta mới sực nhớ tới hai chữ “tình thương”. Có một cô giáo đã than lên trên một tờ báo: “Thi đua mà chi, thành tích mà chi, bởi đó chỉ là ảo, còn tình yêu thương là thật”. Đúng, trường học là nơi dạy làm người. Dạy làm người thì phải dạy bằng tình yêu thương, phải đo đếm bằng tình yêu thương, chứ không phải bằng thành tích, nhất là thành tích ảo.      


 THANH THẢO
 


.