Hãy vì một chữ "sạch"

09:12, 07/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Khi nghe thị trường Việt Nam nhập về những loại trái cây Nhật và bán với giá "trên trời", thú thật, tôi có cảm xúc rất lẫn lộn. Một chùm nho Ruby Roman có giá hơn 9.700 đô la Mỹ (khoảng 221 triệu đồng), một quả xoài đỏ khoảng nửa ký có giá 1,7 triệu đồng, một cặp dưa Nhật giá 29.300 đô la Mỹ (hơn 665 triệu đồng), nhưng vẫn “cháy” hàng. Mặc dù giá rất đắt, nhưng người tiêu dùng trong nước nếu muốn mua phải đặt hàng trước.

Khi nghe thị trường Việt Nam nhập về những loại trái cây Nhật và bán với giá "trên trời", thú thật, tôi có cảm xúc rất lẫn lộn. Một chùm nho Ruby Roman có giá hơn 9.700 đô la Mỹ (khoảng 221 triệu đồng), một quả xoài đỏ khoảng nửa kg có giá 1,7 triệu đồng, một cặp dưa Nhật giá 29.300 đô la Mỹ (hơn 665 triệu đồng), nhưng vẫn “cháy” hàng. Mặc dù giá rất đắt, nhưng người tiêu dùng trong nước nếu muốn mua phải đặt hàng trước.

Cũng từ cái "cảm xúc lẫn lộn” ấy mà tôi lại thắc mắc: Sao người Việt mình bây giờ nhiều tiền đến thế, xài sang đến thế? Tôi không biết những tỷ phú Mỹ có hay xài những trái cây đắt giá đến thế này không? Còn ở Việt Nam, rõ ràng có người dám xài, thì mới có người nhập về bán, dù số lượng người mua là rất ít.

Và tôi lại tự hỏi, không hiểu người Nhật, nông dân Nhật làm cách nào mà trồng được những trái cây quý hơn vàng như thế để bán ra thị trường? “Của một đồng, công một nén”, hay là họ tiếp thị giỏi, làm marketing tài, cộng với khâu trung gian phân phối “dẻo miệng” đến mức, người mua (dĩ nhiên là người mua giàu có) sẵn sàng bỏ cả đống tiền ra mua để “ăn cho biết”?

Chắc chắn, những người giàu Việt Nam sau khi ăn những trái cây đắt giá ấy sẽ là những tuyên truyền viên” đắc lực nhất cho những loại trái cây này. Câu họ hay nói sẽ là, “đắt xắt ra miếng đấy!”.  Ý rằng, chỉ có họ là người biết thẩm định giá trị của những mặt hàng này. Mới đây, nghe nói thanh long Đài Loan ruột đỏ nhập về Việt Nam bán với giá nửa triệu VND/kg, tuy giá không quá cao như hàng Nhật, nhưng cũng làm tôi ngẩn ngơ. Đơn giản, vì trong khi thanh long ở tỉnh Bình Thuận, cũng ruột đỏ như ai, lại rớt giá tới mức thê thảm, tới mức phải kêu gọi “giải cứu”?

Tại sao vậy? Cơ sự, chỉ vì trái cây Nhật quá sạch, luôn mang mác truy xuất “organic”(hữu cơ), lại được trồng và chăm bón hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, không dùng bất cứ phân bón hóa học, hay hóa chất gì cả. Phân chuồng dùng để bón cũng phải là phân chuồng “sạch”.

Thú thật, tôi không được ăn những trái cây đắt giá ấy để cảm nhận nó ngon tới cỡ nào, bổ tới cỡ nào, nhưng tôi nghĩ, nó cũng chỉ ngon hết cỡ của một chủng loại trái cây thôi.

Vậy thì, chỉ vì một chữ “sạch” mà những loại trái cây này có thể bán với giá trên trời như thế sao? Có lẽ đúng như thế. Gạt ra ngoài cái tâm lý “sang chảnh” của người giàu Việt Nam hiện nay, thì có lẽ họ chọn mua trái cây nước ngoài, trước hết, cũng chỉ vì một chữ “sạch”. Họ không tin trái cây trong nước là sạch. Mà họ có cơ sở để không tin như vậy.

Tại sao, Nhà nước và xã hội không biết nhân cơ hội này để đề cao chữ “sạch” trên mọi lĩnh vực, trước hết là lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp. Muốn có chữ “sạch” thì phải vun trồng, chăm bón cây trái theo đúng quy trình sạch, hay còn gọi là quy trình “hữu cơ” (organic). Khi đã quyết tâm theo "con đường sạch", thì phải sạch tới cùng, chứ không phải sạch lở dở; lúc sạch, lúc bẩn.

Một khi đã có những sản phẩm nông nghiệp “sạch hoàn toàn”, được đóng mác “organic” rồi, thì phải tìm đầu ra, phải có kênh phân phối, phải tiếp thị tới tay người tiêu dùng. Ở đây, không phải hình thức trái cây, hay rau củ bóng bẩy, mà phải bắt đầu từ thực chất “sạch” của sản phẩm. Tư duy nông nghiệp “dùng thuốc” là hết sức lạc hậu và nguy hại, mà cần phải làm nông nghiệp sạch để phục vụ bản thân gia đình và xã hội.

Những người giàu sang thường dùng những loại trái cây ngoại bạc triệu và hơn thế, là dạy cho chúng ta bài học về chữ “sạch”. Chữ “sạch” nó đắt giá đến vậy đó. Thế thì tại sao nông dân ta không biết “chữ sạch xắt ra tiền”, không biết quyết tâm chuyển hướng làm nông nghiệp sạch? Chưa kể, chữ “sạch” trong sản phẩm nông nghiệp còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ đất đai, nhằm tạo không khí trong lành để phục vụ bản thân và cộng đồng.     

THANH THẢO
 


.