Cẩn thận với sự bất bình đẳng

10:12, 25/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bất bình đẳng trong thu nhập, nếu ngày càng tăng cao mà không có giải pháp nâng thu nhập cho phía thu nhập thấp một cách hiệu quả, thì rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra. Trong lĩnh vực giáo dục cũng vậy.

Bây giờ, gia đình nào ở Việt Nam cũng đều lo lắng cho việc học tập của con em mình. Nhưng lo là một chuyện, còn khả năng để con em mình có điều kiện học tập nhằm phát huy tất cả những năng lực tiềm ẩn, là chuyện hoàn toàn khác. Có một kết luận chính xác thế này: Bất bình đẳng về thu nhập dẫn tới bất bình đẳng về cơ hội giáo dục và từ đó cũng dẫn đến bất bình đẳng về cơ hội trong cuộc sống. Để từng bước xóa bỏ bất bình đẳng, không thể chỉ kêu gọi suông mà thay đổi được. Nhưng phải hành động như thế nào để cái “hố” này không sâu thêm?

Oxfam là một liên minh quốc tế của 17 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công. Oxfam làm việc trực tiếp với các cộng đồng và tìm cách để gây ảnh hưởng đến các cường quốc để đảm bảo cho người nghèo có thể cải thiện cuộc sống và sinh kế của họ, có một tiếng nói trong các quyết định có ảnh hưởng đến họ.

Một báo cáo của Oxfam về Việt Nam chỉ ra rằng, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng dịch chuyển thu nhập là học vấn: Hộ gia đình nào mà chủ hộ có học vấn cao hơn có xác suất dịch chuyển lên về thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra rằng, vẫn còn khoảng cách lớn về tiếp cận giáo dục ở các bậc học THPT và cao đẳng, đại học giữa người nghèo với người khá giả, giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số.

Nhưng cũng có thể hiểu ngay rằng: Những chủ hộ có học vấn cao hơn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ hộ có cuộc sống sung túc hơn là rất cơ bản. Dĩ nhiên, cũng có những chủ hộ nghèo nhưng có năng lực học tập, có ý chí vươn lên trong học tập để rồi trở thành những chủ hộ có học vấn cao hơn so với mặt bằng. Nhưng số đó không thể nhiều, nhất là trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay.

Những bất bình đẳng trong giáo dục và thụ hưởng giáo dục tất yếu dẫn đến những bất bình đẳng trong cơ hội việc làm, trong khả năng thực hiện “sự dịch chuyển xã hội” từ những vị trí nghèo khổ, hay bất lợi trong cuộc sống để chiếm lĩnh những vị trí thuận lợi hơn, nhiều cơ hội đổi đời hơn.

Có một câu nói mà tôi tâm đắc từ rất lâu rồi: “Nếu chúng ta không đổi được đời, thì nhất định đời sẽ đổi chúng ta”. Mà sự “đổi” ấy của cuộc đời với số phận chúng ta bao giờ cũng mang đến thiệt thòi, bất lợi cho chúng ta. Bây giờ, ai cũng biết, để con cháu mình có cơ hội du học thì phải tốn bao nhiêu tiền? Để con cháu mình vào được những trường đại học “tốp trên”, thì ngoài năng lực tự thân học sinh, còn cần những điều kiện vật chất gì nữa?

Có một thông tin từ giáo dục ở nước Anh, một nước đứng hàng đầu về giáo dục đại học, rất đáng để chúng ta suy nghĩ: “Đầu tháng 12.2018, một tin giáo dục được chú ý nhiều ở Anh là một nghiên cứu của quỹ phi lợi nhuận Sutton Trust cho thấy, hai trường đại học hàng đầu nước Anh là Oxford và Cambridge, thường được gọi chung là Oxbridge, tuyển hơn phân nửa số sinh viên chủ yếu từ tám trường (hầu hết là trường tư lấy học phí cao và thu nhận sinh viên gia đình danh giá và giàu có). Số liệu của Sutton Trust cho thấy, trong ba năm qua, Oxbridge nhận 1.310 học sinh của tám trường này vào học cấp cử nhân đại học, trong khi họ chỉ nhận 1.220 học sinh từ 2.900 trường khác trong cả nước Anh”.

Sự phân biệt giáo dục bậc đại học ở Anh như vậy là quá rõ. Học sinh những trường THPT công lập ở Anh có rất ít cơ hội để vào được những trường đại học lớn. Trong khi đó, những trường trung học tư thu học phí cao, dành cho những học sinh thuộc gia đình giàu có thì học sinh có rất nhiều cơ hội được vào những đại học hàng đầu ở Anh.

Điều đó cho thấy, sự bất bình đẳng về giáo dục, thu nhập không còn là chuyện riêng của bất kỳ quốc gia nào. Ở Việt Nam, sự bất bình đẳng về cơ hội giáo dục cũng đang tăng lên theo từng năm học, vì khi những trường mang mác “quốc tế” mọc lên như nấm sau mưa, với học phí “khủng”, thì thật vô cùng khó để thay đổi điều này. Nhưng cũng xin nhắc lại: Nếu không thay đổi được, dù chỉ một phần sự bất bình đẳng trong giáo dục và thu nhập, thì sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra.  

THANH THẢO
 


.