Cười tươi khi nộp phạt

08:10, 15/10/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cứ lâu lâu lại thấy Bộ GD&ĐT đưa ra một đề án hay một dự thảo quy định nào đó xin ý kiến cấp trên và thăm dò dư luận xã hội. Nếu thấy cấp trên do dự, dư luận xã hội phản đối, các chuyên gia giáo dục phản biện một cách bức xúc, thì lại... thôi.

“Xin lỗi, coi như tôi chưa nói gì đấy nhé!”. Đó cũng là một cách thăm dò, có thể hay có thể dở tùy quan niệm, nhưng với Bộ GD&ĐT-một ngành tác động rất lớn đến đất nước, đến xã hội, đến cộng đồng nhân dân, thì những “cú thăm dò” như thế là không nên.

Như trường hợp vừa rồi, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi sửa điểm thi, gian lận thi cử, với mức phạt hành chính tối đa cho những hành vi ấy là từ 10-15 triệu đồng, thì dư luận xã hội, những nhà giáo dục bỗng... sửng người.

Lý do rất đơn giản: Trong kỳ thi trung học quốc gia “hai trong một” vừa rồi, nhiều địa phương đã xuất hiện những vụ sửa điểm thi, gian lận điểm thi động trời, đến nỗi Bộ Công an phải vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, bắt tạm giam nhiều công chức, kể cả quan chức trong ngành giáo dục các địa phương ấy. Cái vụ động trời này xảy ra mới vài ba tháng nay, lâu la gì đâu mà Bộ này có vẻ “quên” nhanh quá!

TS.Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) nói thẳng: “Không nên đưa nhóm hành vi này vào nghị định xử phạt hành chính, nhất là mức xử phạt chỉ từ 10 - 15 triệu đồng như thế là quá nhẹ. Nếu chỉ bị xử phạt hành chính, thì khác nào mở đường cho gian lận thi cử”.

Còn nhớ ngày xưa, năm 1841 dưới thời vua Thiệu Trị, thi hào Cao Bá Quát được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Trong khi chấm bài thi thấy một số bài văn hay, nhưng phạm húy, không muốn vì lỗi nhỏ mà đánh trượt người có tài, Cao Bá Quát cùng Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 bài.

Theo Đại Nam thực lục, nhà vua phán rằng: “Chọn người tài giỏi là một điển lễ long trọng, bọn Quát dám làm trái phép như thế, khép vào tội nặng cũng đáng. Song ta nghĩ do sự khờ dại mà làm ra, chứ không có tình tiết gì khác, còn có thể khoan tha cho tội xử tử. Siêu cho Quát ngủ ở phòng của mình, tuy không có tình tiết gì, nhưng phép trường không thể hỗn tạp như thế được.

Đáng lẽ ra cứ theo như luật mà trị tội, nhưng ta tạm gia ơn tha cho tội đồ mà chỉ cách chức, cho gắng sức làm việc để chuộc tội". Những bài văn hay chỉ vì “phạm húy” mà bị đánh trượt, đó là chuyện ngày nay không thể xảy ra.

Cao Bá Quát chỉ sửa những lỗi “phạm húy”, không hề “nâng cấp” bài văn, cũng chẳng hề quen thân với ai trong đám thí sinh ấy, không nhận của họ một đồng một cắc nào, mà còn bị xử nặng như vậy, đủ biết ngày xưa thi cử nghiêm túc chừng nào! Còn ở những vụ sửa điềm, gian lận điểm ở Sơn La, Hòa Bình vừa rồi, thì tình hình hoàn toàn  ngược lại. Đó là những bài thi hết sức kém cỏi được “nâng cấp” lên.

Bây giờ hãy nghĩ, nếu những người tham gia các vụ sửa điểm, gian lận điểm thi như thế rơi vào “khung phạt hành chính” mà Bộ GD&ĐT đưa ra, thì sẽ thế nào? Chắc chắn, những "bị can" hiện tại ấy sẽ cười tươi như hoa, sẵn sàng móc túi đóng đủ tiền phạt, 10 triệu chứ 20 triệu hay 30 triệu chỉ là “chuyện nhỏ như con thỏ”. Họ “thoát” một cách ngoạn mục.

Câu chuyện này, tôi nghĩ, rồi cũng sẽ kết thúc như nhiều câu chuyện trước đây: “Xin lỗi, coi như tôi chưa nói gì đấy nhé!”. Đã xin lỗi, thì còn ai nói gì nữa bây giờ? Nhưng nghĩ lại, vẫn thấy câu chuyện này nó “sai sai thế nào” ấy.            

   
 THANH THẢO

 


.