Sự sáng tạo là không giới hạn

02:09, 16/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong lễ khai giảng năm học mới, tôi đặc biệt chú ý tới yêu cầu của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh: Các trường không đọc báo cáo thành tích trong lễ khai giảng. Phần lễ trong khai giảng phải hết sức trang trọng, nhưng ngắn gọn, phần hội trong khai giảng phải vui tươi, sinh động, lành mạnh, với các hoạt động văn hóa- văn nghệ và các trò chơi dân gian.

Thú thật, tôi đã dự một số lễ khai giảng và phần khiến cả học sinh, giáo viên và khách mời mỏi mệt nhất chính là phần đọc... báo cáo thành tích. Dĩ nhiên, phải có thành tích mới đọc tổng kết và thành tích trong cả năm học là hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng trong buổi lễ khai giảng mà thời gian eo hẹp (vì khai giảng xong các em học sinh phải học ngay), thì những bản báo cáo thành tích quá dài đó khiến các em học sinh, nhất là các em học sinh nhỏ tuổi hết sức mệt mỏi. Các em chưa đến tuổi nghe được những bài diễn văn như thế và những gì viết trong diễn văn ấy cũng không khiến các em quan tâm. Thế nhưng, lâu nay một số trường vẫn duy trì...

Tôi nghĩ, thành tích là điều rất đáng được biểu dương. Nhưng biểu dương vào lúc nào, ở đâu, với ai, thì cần hết sức cân nhắc. Ngày khai giảng phải là ngày đặc biệt đáng nhớ đối với học sinh, nhất là học sinh ở mỗi đầu cấp. Muốn ngày ấy trở thành đặc biệt đáng nhớ, thì chương trình phải hấp dẫn, phần lễ phải thật ngắn gọn, và phần trình bày những kiến thức hiện đại, kể cả những kiến thức của 4.0 phải trở nên hấp dẫn học sinh, khiến các em thích thú.

Trong ngày khai giảng năm nay, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.HCM) đưa vào hoạt động 3 phòng học STEM ứng dụng công nghệ thực tế ảo; nhà kính Vườn sinh vật 4.0, trồng rau sạch và quản lý vườn sinh vật bằng phần mềm theo định hướng Internet of things (Internet vạn vật). Đó mới thật sự là kiến thức bổ ích cho học sinh và cũng là những gì thật sự cần thiết và hấp dẫn đối với các em.

Dĩ nhiên, không phải trường THCS nào trong nước cũng có điều kiện làm như Trường THCS Lê Quý Đôn, nhưng cũng còn rất nhiều hoạt động vừa bổ ích, vừa hấp hẫn với học sinh.

Sự sáng tạo là không giới hạn. Chỉ cần lãnh đạo trường, thầy cô giáo dạy trong trường cùng nhau suy nghĩ và làm, thì sẽ có nhiều hình thức thú vị và bổ ích cho học sinh.

Khi “học sinh trở thành trung tâm”, thì chính học sinh cũng có quyền đòi hỏi nhà trường phải sáng tạo trong dạy học, kể cả sáng tạo trong chương trình của một buổi lễ khai giảng, hoặc các chương trình ngoại khóa khác.


Thanh Thảo
 


.