Khung pháp lý cho đầu tư công tư

02:09, 09/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đầu tư đối tác công tư (PPP) là một phương thức đầu tư hiện đại, được thế giới thực hiện từ nhiều thập niên qua. Với Việt Nam, đây là phương thức đầu tư mới, nên vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm. Thực tế, đây là một xu thế tất yếu trong kêu gọi đầu tư hiện nay. Tuy nhiên, để phương thức đầu tư này phát huy hiệu quả, thì cần hoàn thiện khung pháp lý; thực hiện công khai, minh bạch; tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ lợi ích và tầm quan trọng của phương thức đầu tư này.

Trong xu thế nguồn lực đầu tư công ngày càng bị cắt giảm thì phương thức đầu tư PPP vẫn được coi là giải pháp tốt nhất để giảm gánh nặng cho ngân sách; đồng thời khai thác được nguồn vốn trong khu vực tư nhân để đưa vào đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng và các dịch vụ tiện ích khác... Trên cơ sở quy định chung của Nhà nước, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quy định về đầu tư PPP và quy định về thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện hình thức đầu tư xây dựng- chuyển giao (BT); kèm theo đó là danh mục đầu tư PPP với 31 dự án.

Đến nay, Quảng Ngãi có 3 dự án đầu tư theo hình thức BT, gồm: Công viên Thiên Bút, tổng vốn đầu tư 296.352 triệu đồng, thời gian thực hiện 2017-2018, do Công ty CP Đầu tư-Xây dựng Thiên Tân đề xuất; Nâng cấp đường cơ động Lý Sơn, tổng vốn đầu tư 59.500 triệu đồng, thời gian thực hiện 2017-2018, do liên doanh Công ty CP Đầu tư phát triển Hợp Nghĩa- Công ty CP Thép Việt Trung và Công ty TNHH MTV Xây dựng -Thương mại Toàn Thịnh đầu tư; Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Ngãi, tổng vốn đầu tư 377.000 triệu đồng, thời gian thực hiện 2018-2019, do Công ty CP Đầu tư phát triển Hợp Nghĩa đề xuất. Ba dự án này đều được tỉnh thống nhất thanh toán bằng quỹ đất, trong đó dự án Công viên Thiên Bút và dự án Nâng cấp đường cơ động Lý Sơn đã được tỉnh lựa chọn để thực hiện đầu tư (chưa ký hợp đồng). Còn dự án Trung tâm Hội nghị tỉnh Quảng Ngãi chỉ mới phê duyệt đề xuất dự án.

Tuy nhiên, hiện tại do khung pháp lý chưa hoàn thiện, nên trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn còn ngờ vực về hình thức đầu tư này trong thời gian qua. Mặt khác, việc thanh toán bằng quỹ đất khó tạo được sự đồng thuận, vì giá trị đất luôn biến động theo hướng gia tăng. Do đó, không nên sử dụng quỹ đất, quỹ nhà... để thanh toán cho dự án BT, vì những loại tài sản này dễ thanh khoản, nên khi cần thì Nhà nước có thể tổ chức đấu giá để lấy vốn đầu tư.

Mục tiêu của việc hoàn thiện khung pháp lý đối với phương thức đầu tư PPP, BT là để khai thác có hiệu quả nguồn vốn trong khu vực kinh tế tư nhân đưa ra đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển; đồng thời khắc phục tình trạng lạm dụng phương thức đầu tư này để phục vụ lợi ích nhóm, làm thất thoát tài sản công.

ĐỨC NGUYỄN
 


.