Ai "giải cứu" người tiêu dùng?

09:08, 20/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giá thịt heo tăng chóng mặt, hiện đã vượt ngưỡng 57.000đ/kg heo hơi. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở các bộ, ngành liên quan cần lưu ý không để giá heo hơi tăng quá 56.000đ/kg, vì ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI trong năm. Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nói rằng, với mức giá như hiện nay thì thịt heo hơi xuất chuồng của Việt Nam đắt nhất nhì thế giới!

Giá thịt heo ế ẩm từ hồi giữa cuối năm trước khiến đàn heo tụt giảm vì sợ thua lỗ, là nguyên nhân chính dẫn đến giá thịt tăng phi mã như thời gian gần đây. "Té nước theo mưa", các hàng quán cũng “âm thầm” tăng giá theo. Chủ các quán bún giò, các loại thức ăn được chế biến từ thịt heo đã không bỏ lỡ cơ hội này để đẩy giá lên. Nếu như các quày bán thịt ở chợ, giá mua vào tăng thì họ bán tăng theo và ngược lại; còn các quán bún thì đã tăng lên được là “đứng im” đó, đợi dịp tăng tiếp chứ chẳng bao giờ giảm cả, bất chấp giá thịt heo có lúc rơi tận đáy như hồi năm trước.

Tương tự như thịt heo, một số loại nông sản và các mặt hàng thực phẩm khác, như cà phê chẳng hạn, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng tăng giá nếu có điều kiện. Đó là nói lực lượng trung gian, tức các nhà phân phối và bán lẻ, còn người trực tiếp làm ra sản phẩm thì có muốn tăng cũng không được.

Chắc mọi người còn nhớ, cứ mỗi lần giá các loại nông sản và thực phẩm ế ẩm, cả hệ thống chính trị vào cuộc để hô hào, kêu gọi người tiêu dùng “giải cứu” nhà sản xuất. Mùa dưa ế, đi đâu cũng thấy người tiêu dùng “ăn dưa ủng hộ”; khi thịt heo rớt giá thê thảm, các bếp ăn tập thể, ngày nào cũng có món thịt heo.

Suốt một thời gian dài, có khi hàng tháng trời, người tiêu dùng đã chia sẻ với người sản xuất nhằm giảm bớt gánh nặng thua lỗ khi sản phẩm hàng hóa làm ra bị ế ẩm. Và bây giờ, khi nhiều loại nông sản và thực phẩm tăng cao chót vót thì người tiêu dùng ráng chịu vậy. Đành rằng đã chấp nhận cuộc chơi trong cơ chế thị trường thì “lời ăn lỗ chịu”, nhưng trong trường hợp này, có điều gì đó thiếu sự công bằng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Thấy heo tăng giá, thế nào cũng lao vào nuôi. Nếu không có những cảnh báo từ cơ quan chuyên môn, thế nào cũng dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa thịt heo trong thời gian tới. Thế nào rồi điệp khúc “giải cứu” cũng sẽ quay trở lại. Đó là nói ở thì tương lai, còn bây giờ, người tiêu dùng đang phải gồng mình chịu đựng với giá cả đắt đỏ nhưng chẳng thấy ai “giải cứu?” cả.


TRẦN ĐĂNG
 


.