Ứng xử với mạng xã hội

07:06, 21/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một bạn sinh viên ngành báo chí đang thực tập chuẩn bị cho bài thi tốt nghiệp, hỏi tôi: “Anh ứng xử với mạng xã hội (facebook) như thế nào khi bị nói không đúng, thậm chí là nói xấu, bôi nhọ trên facebook?”. Tôi bảo, nếu cách đây khoảng chục năm, tức là lúc mới làm quen với mạng xã hội, nghe ai nói không đúng về mình thì tôi thật sự sốc, nhưng bây giờ thì không còn cái tâm trạng ấy nữa. Vì sao ư? Vì trong một rừng thông tin đa chiều không được kiểm soát như hiện nay, nếu bạn không tập làm quen với những điều như thế, tức những điều mà họ nói không đúng về mình, thì thật khó sống.

Ở Mỹ, đặc biệt là ở Hàn Quốc và Nhật Bản, nhiều người đã phải tìm đến những “khu rừng chết” để tự kết liễu đời mình vì không chịu nổi với búa rìu dư luận, toàn những lời lẽ đầy ác ý nhắm vào mình. Nó là không gian ảo nhưng khi “tấn công” người khác thì lại là “tấn công” thật. Điều tệ hại của một số người chơi facebook là họ luôn giấu mặt, tức mình hoàn toàn không biết gì về nhân thân của họ, nhưng họ luôn thủ sẵn “gạch đá” để ném vào mình, sẵn sàng quăng đồ bẩn vào “nhà” người khác mà họ hoàn toàn không chịu trách nhiệm với hành vi ấy.

Các cuộc “tụ tập đông người” mới đây tại một số tỉnh, thành dẫn đến những hành động quá khích, như đốt xe cảnh sát, ném đá vào lực lượng thi hành công vụ, cản trở giao thông trên Quốc lộ 1... đều có sự “tiếp tay” không ít thì nhiều của mạng xã hội.

Thật khó để chấp nhận rằng, người ta đã dùng hình ảnh cả nước xuống đường ăn mừng đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trở về từ vòng chung kết U23 Châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc hồi đầu năm nay để nói rằng đó là hình ảnh “biểu tình” phản đối dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng mà Quốc hội đang bàn thảo. Một số người cả tin, cứ tưởng đó là hình ảnh người dân phản đối các luật nói trên nên đã có những hoài nghi và hoang mang đáng tiếc. Hoặc họ lấy hình ảnh anh lính cứu hỏa bị thương trong lúc làm nhiệm vụ từ năm nảo năm nao để nói rằng lực lượng này bị người dân tấn công dẫn đến bị thương.

Có nhà báo, tiếp nhận thông tin qua hóng hớt đã vội đưa lên trang cá nhân của mình, thông báo rằng có hai chiến sĩ công an bị hy sinh... Mạng xã hội có một đặc tính là rất nhạy với hiệu ứng đô-mi-nô, nghĩa là chỉ cần một tin xấu được đưa lên một trang mạng nào đó, bất chấp kiểm chứng, lập tức hàng trăm hàng ngàn các trang cá nhân khác chia sẻ ào ào.

Cũng phải công bằng mà nói rằng, mạng xã hội cũng đã mang lại cho mọi người những thông tin bổ ích. Chính nó đã đóng vai trò “phản biện” xã hội để các nhà quản lý kịp thời điều chỉnh những sai số trong quá trình điều hành công việc hằng ngày. Mạng xã hội sẽ vô cùng hữu ích nếu người tham gia vào cuộc chơi đó có trách nhiệm với đời sống cộng đồng, có lòng tự trọng và phải có nhân cách; bằng không, mạng xã hội có thể làm rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thậm chí có thể đẩy con người vào những bi kịch không lường trước được.

TRẦN ĐĂNG
 


.