Kiểm soát tăng giá

07:06, 20/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù chưa đến thời điểm mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1.300.000 đồng lên 1.390.000 đồng (từ 1.7.2018), nhưng giá của một số sản phẩm và dịch vụ đã bắt đầu “nóng” lên. Biểu hiện rõ nét nhất là, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 vừa qua tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây.

Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân dẫn tới mức tăng cao này là do có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72% (chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu trong tháng 5).

TIN LIÊN QUAN


Khi mà người hưởng lương chưa kịp mừng, thì mối lo về việc giá cả của một số sản phẩm, dịch vụ tăng lên đang hiện ra trước mặt. Đó là giá xăng có thể tăng mạnh sau thời điểm 1.7.2018, trong trường hợp mặt hàng này gánh thêm 1.000 đồng/lít thuế môi trường. Đó là việc Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình, từ ngày 1.7 tới sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ y tế; trong đó xây dựng, ban hành mức giá khám-chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp, tiền lương theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng...

Và cũng rất thực tế là, đã rất nhiều lần, cứ mỗi dịp tăng lương lại là một “cột mốc” mới của giá cả thị trường, bởi trong số nhiều nguyên nhân có công tác quản lý giá, quản lý thị trường chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân và của doanh nghiệp. Vì thế, nỗi lo của người dân là hoàn toàn có cơ sở.

Lần này, việc một số mặt hàng và dịch vụ đứng trước khả năng tăng giá sau thời điểm ngày 1.7, đang tiềm ẩn nguy cơ làm ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2018 dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung công tác quản lý, điều hành, sử dụng tổng thể các công cụ, để kiểm soát lạm phát năm 2018 không quá 4%.

Trước mắt là không tăng giá điện trong năm 2018; đồng thời xem xét thời điểm, mức độ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục phù hợp. Cùng với đó là, theo dõi sát diễn biến thị trường, cân đối cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng, như lúa gạo, thịt heo, đường, muối... nhằm ổn định thị trường. Đồng thời, điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp, giúp kiểm soát mặt bằng giá chung.

Mong rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan quản lý giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu sẽ chủ động thực hiện đồng bộ các công cụ, giải pháp phù hợp, để giá cả không còn là nỗi lo của người dân, doanh nghiệp mỗi khi mức lương cơ sở tăng.

LINH GIANG
 


.