Tiếp thị theo bình đẳng giới

08:05, 21/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bình đẳng giới là vấn đề luôn được quan tâm trên toàn thế giới. Vì thế, chiến lược bán hàng (makerting) cũng phải đi đúng vào “đại lộ” này. Một tổ chức nghiên cứu về chiến lược bán hàng  của ASEAN gọi là HILL ASEAN đã có một nghiên cứu rất bình dị, nhưng thật thú vị về vai trò của người chồng và người vợ trong gia đình khi quyết định những vấn đề về mua sắm. Tổ chức ấy đã nghiên cứu ở Việt Nam và cho kết quả rất đáng quan tâm.

Tại Việt Nam, HILL ASEAN đã chỉ ra ba loại hình thái gia đình tiêu biểu: Nhóm truyền thống (người chồng ra ngoài làm việc và người vợ ở nhà chăm lo việc nhà, con cái); nhóm phân công việc nhà (chia thành hai nhóm nhỏ - nhóm phân công theo nhiệm vụ, trong đó việc nhà và việc chăm sóc con được chia đều cho cả hai; nhóm này phân công linh hoạt, trong đó ai có khả năng đảm nhận công việc tại thời điểm cần thiết sẽ là người thực hiện) và nhóm chuyển đổi (người vợ ra ngoài làm việc và người chồng đảm nhận việc nhà và nuôi dạy con cái).

 

Báo cáo cho thấy nhóm phân công việc nhà chiếm ưu thế tại Việt Nam với 74%. Theo sau đó, nhóm truyền thống với 25% và nhóm chuyển đổi là 1%. Với những con số này, các nhà làm tiếp thị đã nhận thấy sự thay đổi trong việc đưa ra quyết định mua hàng không còn tập trung vào vợ hoặc chồng mà là cả hai, khi “quyền lực” được chia đều cho đôi bên.

Không cần phải nghiên cứu một cách “đao to búa lớn” về bình đẳng giới, chỉ cần nghiên cứu sâu về vai trò của người chồng và người vợ trong câu chuyện phân công việc nhà tại Việt Nam hiện tại, đã thấy nổi lên mô hình rất đáng mừng của bình đẳng giới trong gia đình: Nhóm phân công việc nhà giữa chồng và vợ chiếm tới 74%. Trong sự phân công việc nhà và chăm sóc con cái ấy, đã thấy rõ sự san sẻ trách nhiệm, cùng gánh nặng việc nhà giữa chồng và vợ.

Những nhà nghiên cứu cho chiến lược tiếp thị đã làm được một việc lớn hơn cả việc tiếp thị, đó là chỉ ra một mô hình mới mang tính hiện đại đang chiếm ưu thế trong phân công lao động gia đình giữa chồng và vợ ở Việt Nam. Hình ảnh người chồng năng động trong việc nhà, trong việc chăm sóc con cái đang nổi lên và hình ảnh người vợ trực tiếp tham gia lao động ngoài gia đình ngày càng đậm nét.

Đã có sự phân công lao động khá nhịp nhàng giữa chồng và vợ, giữa công việc trong gia đình và ngoài gia đình. Hình ảnh người chồng đưa đón con đi học, chăm con sau khi ở nhà trẻ hay lớp mẫu giáo về nhà là hình ảnh đang phổ biến tại Việt Nam hôm nay.

Bình đẳng giới không còn là khẩu hiệu, nó đã bình dị đi vào cuộc sống gia đình với ý thức của cả vợ và chồng. Đã có những người chồng tham gia việc bếp núc sau giờ làm việc, và có những người vợ không chỉ biết chăm con mà còn chăm lo cho kinh tế gia đình.

Trong 74% vượt trội của nhóm phân công việc nhà, sự chuyển đổi công việc cũng rất linh hoạt, không nhất thiết theo sự phân công cứng nhắc nào. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, câu ngạn ngữ mang tính tiên báo ngày xưa nay đã thành hiện thực trong nhiều gia đình Việt Nam.     

Cùng với hình ảnh “người mẹ đảm đang” truyền thống, đã nổi lên hình ảnh “người bố đảm đang” trong thời hiện đại và những quyết định tiếp thị không còn hướng riêng lẽ về phía người vợ hay người chồng mà hướng về một “cặp đôi hoàn hảo” vợ-chồng. Mọi quyết định lớn nhỏ trong gia đình từ đây sẽ do cả hai vợ chồng cùng quyết.


Gia đình-tế bào của xã hội, đã chuyển sang một thời kỳ mới. Và xã hội cũng đang thay đổi.   
 
THANH THẢO
 

.