Tạo sự chuyển biến đồng bộ

03:05, 18/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 vừa được Bộ Nội vụ công bố, Quảng Ngãi đứng thứ 63/63 tỉnh, thành, với số điểm khá thấp 59,69 (thang điểm tối đa là 100).

Điều đáng buồn nữa là, trong bối cảnh giá trị trung bình PAR INDEX 2017 có xu hướng tăng lên (đạt 77,72 điểm, cao hơn so với giá trị trung bình năm 2016 là 3,08%), thì Quảng Ngãi không chỉ đứng chót bảng xếp hạng (năm 2016 xếp 59/63 tỉnh, thành) mà còn là tỉnh duy nhất có kết quả đạt được dưới 60 điểm. Không những thế, khoảng cách giữa tỉnh dẫn đầu (Quảng Ninh) và tỉnh cuối bảng (Quảng Ngãi) lại giãn rộng tới 29,76 điểm.

Theo báo cáo giải trình của các sở, ngành của tỉnh ngay sau có kết quả xếp hạng, thì hầu hết các lĩnh vực đều bộc lộ nhiều hạn chế. Nổi lên là, việc triển khai cải cách hành chính (CCHC) chưa thật sự đồng bộ; một số địa phương, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác này, nhất là việc xử lý những tồn tại, hạn chế còn chậm, thậm chí là chưa chỉ đạo xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế được phát hiện qua công tác kiểm tra CCHC...

Hiện tại, việc triển khai nhiệm vụ CCHC của các tỉnh, thành phố trong năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả từng bước được nâng lên, nếu muốn cải thiện chỉ số PAR INDEX, Quảng Ngãi không những cần tăng tốc thực hiện CCHC, mà còn phải nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác này. Trước hết, cần đánh giá, xem xét cụ thể những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai và kết quả chỉ số CCHC năm 2017, trong đó cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu những lĩnh vực liên quan. Qua đó tìm ra nguyên nhân, các yếu tố ảnh hưởng và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng CCHC.

Kết quả chỉ số CCHC có tính tổng hợp, đa chiều, gắn kết việc đánh giá bên trong nội bộ của các cơ quan hành chính nhà nước với đánh giá khách quan từ phía người dân, tổ chức; đồng thời gắn kết giữa đánh giá kết quả CCHC hằng năm với đánh giá tác động của cải cách đối với sự hài lòng của người dân, tổ chức - một điểm mới của PAR INDEX. Vì thế, để đạt kết quả cao hơn, tỉnh cần phải tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực cả về nhận thức lẫn hành động trong việc phục vụ doanh nghiệp, người dân trong thời gian tới; phải tạo được sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC phải được nâng cao hơn nữa.

Công tác CCHC không phải là chuyện của một cấp, một ngành hay một địa phương nào, mà phải tạo ra sự chuyển động đồng bộ từ các cấp, ngành, địa phương; từ ý chí chính trị, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh đến đội ngũ cán bộ công chức-những người trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân; phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt, theo tinh thần “trên nóng, dưới nóng, ở giữa cũng nóng”.


HOÀNG TRIỀU
 


.