Sản xuất theo nhu cầu thị trường

02:04, 15/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và cần quán triệt tinh thần này đến hộ nông dân, đến các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp.

Khó khăn của nông dân thì vô vàn, nhưng có một điều rất đáng lo là hiện nay, nông dân vẫn sản xuất theo thói quen canh tác nhỏ lẻ, theo những “mặc định” trồng gieo theo mùa vụ những loại rau gì, cây gì, lúa gì, mà không biết đến nhu cầu của thị trường cần gì, chất lượng ra sao.

Chuyện này nếu để mặc cho nông dân tự lo, tự tìm hiểu thị trường, tự tìm đầu ra cho sản phẩm thì e quá sức họ. Tính tự do của nền nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn khá cao, nông dân và thị trường vẫn chưa ăn ý với nhau, chưa tìm được tiếng nói chung như trong một dàn nhạc. Và “nhạc trưởng” ở đây cũng không hề xuất hiện, dù có rất nhiều cơ quan chức năng, cao nhất là Bộ NN&PTNT, mỗi tỉnh đều có Sở NN&PTNT, kéo tới cấp huyện là phòng nông nghiệp...

Cả một hệ thống như thế, nhưng việc nông dân canh tác thế nào thì vẫn là chuyện chưa định hướng được, chưa tìm đầu ra một cách tương đối bền vững cho sản phẩm và việc “sản xuất theo phong trào” vẫn tiếp diễn đây đó. Vì vậy mới dẫn tới chuyện đổ bỏ củ cải hay su hào, dưa hấu không bán được phải kêu gọi “giải cứu”, mía trồng tới kỳ thu hoạch phải để khô ngoài ruộng, vì nhà máy đường không mua.

Một khi giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp, nhà máy chưa thật sự liên kết với nhau, thì những chuyện “cười ra nước mắt” của nông dân vẫn chưa thể chấm dứt.

Chúng ta đừng chỉ nhìn vào con số xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam mà vội mừng. Vì đó mới chỉ là một phần chưa lớn trong năng lực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và trong việc xuất khẩu này, nông dân làm ăn riêng lẻ chưa tham gia được bao nhiêu, hoặc không thể tham gia được vì sản phẩm không đạt chuẩn xuất khẩu.

Làm sao để đông đảo nhất nông dân tham gia vào sản xuất theo quy chuẩn và sản phẩm có thể xuất khẩu? Những cánh đồng mẫu lớn hay việc tích tụ ruộng đất chỉ là một phần, cái phần còn lại quan trọng hơn là làm sao liên kết nông dân cùng sản xuất theo những yêu cầu của thị trường lớn, và sản phẩm khi đạt chuẩn thì hoàn toàn phải tiêu thụ được.

Câu hỏi mà nông dân đặt ra với Thủ tướng trong cuộc gặp gỡ đối thoại ở Hải Dương vừa qua, là làm sao bảo đảm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân? Và sản phẩm như thế nào thì được coi là đạt chuẩn, để có thể bán được rộng rãi? Khi sản xuất được sản phẩm, thì nông dân tự mình bán sản phẩm hay có những doanh nghiệp nào thu mua? Và cam kết thu mua với giá cả hợp lý được thực hiện như thế nào?

Khi một thị trường rất lớn và nổi tiếng “dễ tính” là thị trường Trung Quốc đang siết lại với nhiều hàng rào kỹ thuật, thì việc bán hàng nông sản sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mong Chính phủ sau cuộc đối thoại với nông dân sớm có những giải pháp đồng bộ cho nông dân yên tâm sản xuất, và có thể thu nhập tốt hơn từ việc bán sản phẩm của mình.    


 THANH THẢO


 


.