Học bao nhiêu cho đủ?

09:04, 23/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cái khó nhất ở nhiều trường đại học hiện nay, là “đầu ra” của sinh viên tốt nghiệp. Người xưa thường nói “bể học mênh mông”, nhưng người học đều phải tự định liệu “bến bờ” của mình. Vì học không bao giờ là mục đích tự thân. Học là để hành, để làm những việc gì đó cần tới kiến thức.

Một khảo sát mới nhất của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay: Hiện có 215.000 người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên. Và có một thống kê rất đáng suy nghĩ: Đó là tỷ lệ người có trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp chỉ bằng 15% so với số lượng cử nhân, thạc sĩ đang "ôm" bằng chờ việc, hoặc phải chuyển sang lao động phổ thông.

Học thì mục đích cuối cùng là để hành, để làm việc. Không ai học chỉ để... học, hay để có tấm bằng “hoành tráng” cho mục đích... tự sướng hoặc vinh danh cho gia đình cả. Vậy mà, trong thực tế, rất nhiều gia đình đang vừa khuyến khích, vừa ép buộc con cái mình phải học theo hướng đó, bất chấp các em có thích hay không, có khả năng theo học những ngành mình không ưa thích hay không. Thực ra, không gì khổ cho bằng học những ngành, những môn học mình không thích. Ai từng đi học đều quá thấm thía điều này.

Nhưng không thể không học, vì học tạo những thuận lợi cơ bản, tạo sự tự tin cho những việc mình sẽ làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nước mình bây giờ, học tới đâu là vừa?

Việt Nam chưa phải quốc gia phổ cập đại học. Chúng ta đang cố gắng phổ cập trung học cho toàn dân, nhưng mục tiêu này chưa thể hoàn thành trong ngắn hạn. Mỹ là quốc gia giàu mạnh hàng đầu thế giới, có nền giáo dục cũng thuộc hàng đầu thế giới, nhưng học sinh Mỹ chỉ cần học cao đẳng cộng đồng là ra trường tìm được việc làm. Vì cao đẳng cộng đồng ở Mỹ dạy rất kỹ về những kỹ năng lao động, có thể áp dụng ngay sau khi ra trường. Phần lý thuyết rất hạn chế, chỉ học những gì thật cần thiết. Thời gian học chỉ là 3 năm cho cao đẳng.

Nếu những trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề ở Việt Nam dạy được theo chương trình cao đẳng cộng đồng Mỹ, tôi tin, sẽ thu hút rất đông học sinh theo học. Bởi, sau rất nhiều thăng trầm của nền giáo dục Việt Nam, bây giờ rất nhiều người, từ phụ huynh tới học sinh đã bắt đầu tỉnh ra.

Học để làm việc, thì không nhất thiết phải học đại học, càng không nhất thiết phải học thạc sĩ hay tiến sĩ. Đó phải là những bậc học rất đẳng cấp, dành cho những người có năng lực học thật sự, có năng lực nghiên cứu và sáng tạo thực sự. Đã có những học sinh trung học ở một số tỉnh Nam Bộ trong khi học trong trường phổ thông đã có những sáng tạo công nghệ rất đáng khâm phục. Bởi bây giờ có bao nhiêu là cách học, từ học thầy, học bạn tới học trên mạng. Nhà trường chỉ là một kênh để trao truyền kiến thức. Còn nhiều kênh khác mà kiến thức có thể đến với những người ham hiểu biết và khát khao sáng tạo.

Cách giáo dục theo kiểu “trại lính” tại một số trường tư thục nhất thời có đáp ứng cho nhu cầu của một số phụ huynh sợ con mình hư hỏng nên đưa vào những trường này, “nhờ trường” quản lý hộ. Nhưng cách giáo dục này đã bộc lộ rất nhiều bất cập, nhiều nguy cơ cho sự phát triển bình thường của học sinh, cho tương lai của học sinh. Đừng coi đại học là một tiêu chí phải phấn đấu cho kỳ được, trong khi bỏ qua rất nhiều con đường khác hoàn toàn có thể dẫn người trẻ tới những đích tốt đẹp.

Làm sao học phải là một hoạt động hoàn toàn thoải mái, không áp đặt, không gò ép, và nhất là không bạo lực, dù là bạo lực tinh thần. Vì mục đích của học là để làm việc.

THANH THẢO
 


.