Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm

01:02, 12/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo con số chính thức của Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố, thì mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay có tăng hơn một chút so với năm ngoái ở một số loại hình doanh nghiệp, nhưng bình quân cả nước là bằng khoảng 1 tháng lương (5,527 triệu đồng/người), tăng 13% so với năm 2017 (4,889 triệu đồng/người).

Một doanh nghiệp tư nhân ở Vĩnh Phúc chiếm vị trí “quán quân” về thưởng ít: 20.000 đồng/người, một con số khiến người được “thưởng” và người ngoài cuộc phải... khóc. Cũng doanh nghiệp này, năm ngoái thưởng Tết 50.000 đồng/người, cũng là một con số đau lòng.

Việc có người được thưởng Tết cả tỷ đồng, còn người chỉ được 20 nghìn đồng, nơi “cuộc sống nở hoa”, còn nơi thì “cuộc đời bế tắc” nói lên điều gì? Dĩ nhiên, nó nói rằng sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách giữa “đỉnh cao” và “vực sâu” ngày càng xa vời vợi. Chính vì vậy, rất cần những chính sách an sinh xã hội, cần sự chia sẻ của cả xã hội để những người có thu nhập thấp, những người chỉ nhận mức thưởng Tết không quá 100.000 đồng có một cái Tết không đến nỗi nào.

Thời bao cấp, những món hàng Tết rất đơn sơ, và được bán phân phối, nhưng ai cũng có, ai cũng được như nhau. Vì thế, tuy thật nghèo, nhưng rất ít người có cảm giác ngậm ngùi khi Tết đến. Bây giờ, không còn chuyện hàng phân phối, chợ và siêu thị đầy ngập hàng đủ mức giá, nhưng tiền thì không chia đều cho mọi người. Đó là một thực tế ai cũng phải chấp nhận, dù không mấy vui.

Vì thế, những món quà Tết không phải đến từ thưởng Tết càng trở nên có giá trị, và càng lan tỏa những món quà này cho càng nhiều người lao động có thu nhập thấp thì xã hội càng văn minh hơn, con người càng nhân văn hơn, và cái Tết càng có ý nghĩa hơn như là một cuộc vui chung của toàn xã hội.

Vật chất chỉ là một phần của đời sống, nhưng nó là phần quan trọng và không thể thiếu. Vì vậy, Nhà nước nên trực tiếp đứng ra vận động một “Quỹ thưởng Tết” để có thể san sẻ tiền thưởng cho người lao động ở những đơn vị không có khả năng thưởng Tết. Nếu cứ để các đơn vị tự lo, ai được nhiều thì nhờ, ai được ít hay không được gì thì chịu, sẽ dẫn tới những điều không hay cho xã hội.

Tết là vui, nhưng niềm vui ấy phải được chia cho tất cả mọi người. Nếu chỉ một bộ phận người vui, còn “một bộ phận không nhỏ” thì buồn, sẽ không còn là Tết trọn vẹn nữa.  


THANH THẢO
 


.