Đồng thuận giải quyết nạn ăn xin

10:02, 18/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trước thềm Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp với những gia đình, dòng họ có người thân đi lang thang kiếm sống, để đưa đối tượng hồi gia; hoặc tổ chức thực hiện việc tập trung đối tượng lang thang, xin ăn về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Kiên quyết không để hiện tượng người lang thang, xin ăn tại các nhà ga, bến tàu, bến xe, điểm vui chơi, sinh hoạt công cộng...
 
Đây là chủ trương đúng của tỉnh, nhất là cứ vào dịp Tết cổ truyền, tình trạng ăn xin lại xuất hiện nhiều hơn (thậm chí là biến tướng) tại các địa điểm công cộng, gây phiền hà cho người dân, du khách. Điều này tạo hình ảnh không đẹp tại những địa điểm tham quan, du lịch...  

Tuy nhiên, xử lý rốt ráo vấn đề này là chuyện không hề dễ. Bởi phần lớn đây là những đối tượng dễ bị tổn thương. Hầu hết họ có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đa số là người già, người khuyết tật, trẻ em... nên họ xem việc ăn xin là điều kiện để kiếm sống. Nhưng, cũng không vì thế mà để tình trạng này kéo dài năm này qua năm khác.

Kinh nghiệm từ Đà Nẵng, một thành phố giải quyết rất tốt tình trạng đối tượng lang thang, ăn xin cho thấy, để giải quyết hiệu quả thì không phải một ngành, một đoàn thể hay một địa phương làm được mà nó cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, cùng thống nhất chủ trương. Và nhất là, Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân. Đó là điều rất quan trọng.

Đối với Quảng Ngãi, cuối năm 2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 55 về hỗ trợ thực hiện chính sách xã hội cho đối tượng lang thang, ăn xin trên địa bàn tỉnh. Và Sở LĐ-TB&XH đã được UBND tỉnh giao xây dựng Đề án quản lý, hỗ trợ thực hiện chính sách xã hội cho đối tượng lang thang, xin ăn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đấy là cơ sở quan trọng để giải quyết tình trạng đối tượng lang thang, ăn xin trên địa bàn. Song đối với đối tượng dễ bị tổn thương, nên trong quá trình thực hiện cần phải có giải pháp đồng bộ và xử lý thật sự mang tính nhân văn.

Việc tập trung đối tượng vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hay đưa đối tượng hồi gia thật ra không quá khó. Vấn đề là cần phân loại đối tượng, để có giải pháp phù hợp và mang lại hiệu quả lâu dài. Họ cần được tư vấn, hỗ trợ đào tạo, giới thiệu việc làm phù hợp, để tái hòa nhập cộng đồng. Riêng  đối với những đối tượng chưa đủ độ tuổi lao động, hoặc ngoài độ tuổi lao động cần có sự hỗ trợ kịp thời ngay từ cơ sở, nhằm giúp đỡ những đối tượng này vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Giải quyết tình trạng này không hề đơn giản và cũng khó giải quyết rốt ráo trong một thời gian ngắn. Mà vấn đề này cần duy trì thường xuyên, với một hành động quyết liệt, cùng sự đồng thuận cao từ hệ thống chính trị đến quần chúng nhân dân.


LINH GIANG
 


.