Cấm đốt vàng mã, được không?

02:02, 26/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành công văn đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Đề nghị này đang có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng chung hiện nay là người dân ủng hộ chủ trương này.

Không phải đến hôm nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới đề nghị cấm đốt vàng mã mà từ những năm 30 của thế kỷ trước, nhiều bậc cao tăng trụ trì tại các chùa lớn trong nước cũng đã có đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở Phật giáo. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã, thả chim, cá phóng sanh không những không bị loại bỏ mà ngày một tăng thêm.

Việc đốt vàng mã là nhằm “hóa kiếp” những vật phẩm mà người trên dương thế muốn gửi cho người cõi âm. Từ khi loài người xuất hiện và xác lập nền văn minh sơ khai, họ quan niệm có hai thế giới cùng song hành: Cõi dương- người đang sống và cõi âm- thế giới của người chết. Gần như dân tộc nào cũng có quan niệm như vậy, nên mới xuất hiện tục “chia của” đối với nhiều dân tộc thiểu số hiện nay. Nhiều dân tộc, đồ tùy táng cho người chết có cả những đồng xu được chôn theo, để người chết có “lộ phí” khi trở về.

Tin vào một thế giới khác sau khi qua đời là việc không ai cấm cản. Tuy nhiên, “cụ thể hóa” niềm tin ấy bằng những vật phẩm như xe hơi, nhà lầu, điện thoại hạng sang... được làm bằng giấy rồi “hóa kiếp” tại các chùa chiền, miếu mạo là việc không nên làm. Nó vừa gây ô nhiễm môi trường, lại vừa tốn kém tiền bạc vô ích.

Chưa ai thống kê mỗi năm người Việt tốn bao nhiêu tiền cho chuyện “hóa kiếp” này, song ô nhiễm môi trường từ việc đốt vàng mã là có thật. Quan sát hằng ngày trên tuyến đường Hùng Vương hoặc Nguyễn Trãi, nơi dẫn về nghĩa trang Truông Ổi sẽ thấy vàng mã được phủ đầy những con đường này, nếu hôm đó có dăm bảy người chết được chở ô tô qua đây.

Ở Huế, Đà Nẵng và một số đô thị khác, chính quyền địa phương đã ra văn bản cấm đốt vàng mã và rải vàng mã cho người chết khi đưa tang. Ở Nha Trang cũng cấm, nhưng thay vào đó là rắc cánh hoa huệ, nhưng rất tượng trưng khi đưa tang. Có lẽ nên chọn hình thức này vì vừa giữ được phong tục lâu nay, vừa không gây ô nhiễm môi trường.

Việc cấm đốt vàng mã tại các nơi thờ tự sẽ vấp phải phản ứng của một số người còn nặng tâm lý mê tín, song nếu chính quyền và Giáo hội Phật giáo tăng cường tuyên truyền cộng với chế tài mạnh, thì người dân dần dần sẽ “nghe ra” và chúng ta sẽ làm được điều này như đã làm về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.


TRẦN ĐĂNG
 


.