Đừng để nước tới chân mới nhảy

09:01, 14/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mấy lâu nay, nghe chuyện về “cách mạng công nghiệp 4.0”, tôi cũng như nhiều người khác thường nghĩ đơn giản: Chuyện ở đâu, còn lâu mới tới mình.

Hóa ra, không phải vậy.

Còn nhớ, khi “cuộc cách mạng 3.0” là cuộc cách mạng internet chuẩn bị tới Việt Nam, nhiều người cũng đã nghĩ nó chưa tác động trực tiếp tới mình. Những người ấy không ngờ, cách mạng internet lại tới Việt Nam với tốc độ nhanh đến vậy. Những người kịp thời đón trước cuộc cách mạng này và tận dụng được nó, hầu hết họ đều phát triển.

Ngược lại, những người không kịp nhận ra và chậm thích ứng, hầu hết đều bị bỏ lại sau, hoặc phải mất rất nhiều thời gian để thích ứng. Mà thời gian, là tiền bạc.

Cuộc cách mạng 4.0 lần này cũng thế. Nó sẽ đến với tốc độ chóng mặt, trước cả khi chúng ta kịp hình dung đầy đủ về nó.

Chẳng hạn, công nghệ tự động hóa. Khi robot đa năng được sản xuất hàng loạt, nó sẽ tràn ngập vào Việt Nam. Và những ngành công nghiệp lâu nay cần rất nhiều công nhân như dệt may, da giày…sẽ đứng trước nguy cơ bị thừa ra người lao động với số lượng rất lớn. Lúc bấy giờ, phải tính sao với những người lao động bỗng chốc mất việc làm? Những chủ doanh nghiệp, khi nhận thấy dùng robot thay sức lao động con người sẽ thu lợi lớn hơn rất nhiều so với phương thức lao động cũ, họ sẽ rất nhanh chóng sử dụng robot. Bởi họ cần chi phí lao động thấp và lợi nhuận cao.

Sự tàn nhẫn của “chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát” là ở chỗ đó. Nếu con số người lao động mất việc làm, thất nghiệp lên tới hàng triệu, chúng ta sẽ tính sao? Vì vậy, cần lo ngay từ bây giờ, để chủ động đón “cách mạng 4.0” mà không rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Sự chuẩn bị ấy phải bắt đầu từ giáo dục, trong các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề. Và các khóa đào tạo ngắn ngày cho những lao động đang có việc làm nhưng sẽ mất việc khi 4.0 tới.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng với cuộc cách mạng số này, ranh giới giữa các ngành học không còn rõ ràng như trước đây mà có sự hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, chương trình đào tạo cần có sự thay đổi, bổ sung hợp lý các phần kiến thức. Khi xây dựng chương trình đào tạo, các trường đại học lẫn trường nghề phải tính toán sự hài hòa giữa các môn học. Nghĩa là phải cung cấp cho sinh viên một số kỹ năng để ra trường có thể làm việc được và vẫn có nền tảng kiến thức căn bản vững chắc, không bị đào thải bởi cơn lốc khoa học công nghệ.

Có một ngành đào tạo lâu nay chưa được chú ý đúng mức, đó là ngành nông nghiệp công nghệ cao. Khi mà trong hiện tại, việc xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam đã có kim ngạch vượt cả xuất khẩu dầu mỏ, sẽ vượt cả dệt may, thì tại sao không coi chuyên ngành đào tạo kỹ năng lao động nông nghiệp công nghệ cao là một chuyên ngành mũi nhọn?

Xu hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao là một xu hướng tất yếu trong một tương lai rất gần. Vậy mà người nông dân vẫn chưa thể tiếp cận những kỹ năng của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, họ vẫn mới chỉ nghe nói, thậm chí chưa từng được thấy.

Với những địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp như Quảng Ngãi, thì việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, chính là hướng đi đúng đắn cần được xây dựng bài bản ngay từ bây giờ. Đó cũng là lĩnh vực phù hợp với những hệ thống kỹ thuật tự động của 4.0.

Đào tạo lớp học sinh trẻ ở nông thôn để họ nắm được những kỹ năng lao động nông nghiệp công nghệ cao là việc cần làm ngay, và phải bắt đầu những hướng nghiệp ngay từ trường phổ thông. Bởi điều rất đáng buồn bây giờ là học sinh nông thôn lại rất ít quan tâm tới nông nghiệp, trong khi những trường hay ngành họ muốn theo học cũng không hề đào tạo những kỹ năng lao động nông nghiệp công nghệ cao, tự động hóa, số hóa.

Trong khi phải khẳng định, nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực có tương lai rất tươi sáng, nhất là khi cuộc cách mạng 4.0 ập đến.                                  

     THANH THẢO
 


.