Cơ hội việc làm

10:01, 23/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP. HCM Trần Anh Tuấn, thì:“Mức độ cạnh tranh việc làm ở TP. HCM hiện nay là 1/46 và Hà Nội là 1/33. Riêng nhóm ngành kinh tế mức độ cạnh tranh cao hơn với tỷ lệ 1/60, ở những vị trí lao động bậc cao mức cạnh tranh có thể 1/400 người. Mức lương dành cho sinh viên mới tốt nghiệp khối ngành kinh tế, trung bình khoảng 4 - 8 triệu đồng/tháng”.

Nếu thật như vậy, so về thu nhập vùng, thì mức lương 4-8 triệu đồng/tháng cho sinh viên mới ra trường là khá thấp. Nhưng có một ưu thế rất căn bản của thị trường lao động tại TP. HCM là khả năng tìm kiếm việc làm ở đây rất cao. Các ngành lao động cũng rất đa dạng, có thể thỏa mãn nhiều loại năng lực và trình độ khác nhau cho các thành viên muốn tìm kiếm việc làm.

Trong khi tại Quảng Ngãi, nếu đòi hỏi khả năng cạnh tranh việc làm như ở TP. Hồ Chí Minh  thì không thể, vì ở Quảng Ngãi thiếu lao động có trình độ cao và công việc ở Quảng Ngãi đòi hỏi trình độ cao cũng chưa nhiều. Đó là một thực tế mà những nhà tuyển dụng lao động ở Quảng Ngãi đều biết.

Vậy thì người lao động ở Quảng Ngãi muốn tìm kiếm việc làm nên hướng tới phân khúc nào? Trung bình, khá hay cao? Có lẽ, trong hiện tại thì phân khúc trung bình khá là dễ được chấp nhận hơn cả. Nhưng muốn đạt được tuyển chọn ở phân khúc này cũng không dễ chút nào.

Vì chất lượng đào tạo nghề ở Quảng Ngãi chưa cao, còn người lao động quê Quảng Ngãi được đào tạo bài bản hơn ở TP.Hồ Chí Minh thì lại ít muốn về làm việc tại quê nhà. Họ chọn cơ hội có việc làm, hơn là mong có mức lương cao ngay từ đầu. Đó là một tính toán đúng đắn. Trong khi không ít người lao động ở tại Quảng Ngãi, tay nghề chưa cao, kỹ năng làm việc chưa thành thạo, nhưng lại thường nghĩ về những mức lương vượt quá khả năng hiện thực của mình. Do đó, họ thường rơi vào tình trạng thất nghiệp hay bán thất nghiệp. Những việc họ làm có thu nhập thấp và đều không ổn định.

Kỹ năng lao động đòi hỏi phải chuyên cần học tập và làm việc, “một nghề cho chín, hơn chín mười nghề”, chứ không đơn giản chỉ “đứng núi này trông núi nọ”. Trong khi các trường nghề ở Quảng Ngãi lại thưa vắng người học, và bản thân các trường ấy cũng chưa dạy được “một nghề cho chín”. Còn các trường đại học tại Quảng Ngãi thì tình trạng còn khó khăn hơn.

Với thông tin Quảng Ngãi cần 40.000 lao động có tay nghề trong năm 2018, thì có hai cái khó: Thứ nhất, “có tay nghề” ở mức độ thành thạo thì rất hiếm, còn “có tay nghề” ở mức “lơi phơi” thì nhiều, nhưng nhà tuyển dụng muốn sử dụng họ thì phải tái đào tạo. Nếu nhà tuyển dụng chỉ muốn “mì ăn liền” thì thật khó khi tuyển nhân lực. Thứ hai, nhiều người lao động chưa chắc đã “mặn mà” với những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều sức lao động, kể cả lao động chân tay, nhưng thu nhập lại khá “bèo”. Họ vẫn kiên trì chờ đợi, dù cũng không biết mình đang chờ đợi cái gì.

Nói như thế để thấy, cơ hội việc làm thì vẫn có, thậm chí có nhiều, nhưng cơ hội ấy có là hiện thực hay không, thì chưa ai dám chắc. Phải có một kế hoạch đào tạo bài bản, và tuyển dụng khả thi, với mức lương cũng như lời hứa tái đào tạo là chắc chắn, thì mới tin được rằng, nhà tuyển dụng và người lao động có cơ hội để gặp nhau. Còn nếu người lao động vẫn ngồi “chém gió” ở quán cà phê để chờ cơ hội, còn nhà tuyển dụng thì cứ loay hoay với những con tính về mức lương và hiệu quả công việc, liệu mình tuyển họ thì công việc của mình có chạy không, thì “cơ hội việc làm” vẫn tiếp tục là... cơ hội.

Thanh Thảo
 


.