Trách nhiệm với dân

02:12, 13/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tại cuộc họp giải quyết các vướng mắc xoay quanh việc đầu tư các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Sơn Tây mới đây, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây đã không đồng ý cho thỏa thuận bổ sung dự án thủy điện Đắk Robaye vào quy hoạch dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nguyên do là dự án này ảnh hưởng đến 4ha thuộc xã Sơn Lập, nguy cơ làm “mất” con suối 4km và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên địa bàn huyện.

Việc từ chối trên đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao của lãnh đạo huyện Sơn Tây với dân. Và theo ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh thì, việc từ chối trên là có cơ sở, do dự án có tác động không tốt đến môi trường, nếu như nhà đầu tư không có giải pháp hợp lý trong quá trình xây dựng và vận hành dự án. Nhưng, do đây chỉ là sự thỏa thuận để UBND tỉnh Kon Tum đủ cơ sở trình Bộ Công thương xem xét, bổ sung vào quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nên UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất có văn bản thỏa thuận gửi UBND tỉnh Kon Tum.

Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư dự án thủy điện Đắk Robaye khi triển khai dự án phải làm việc cụ thể với chính quyền địa phương cấp huyện, xã và tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án. Khi nào có sự đồng thuận, thống nhất của chính quyền, người dân thì mới được triển khai dự án trên địa bàn Quảng Ngãi.

Sơn Tây là địa phương có điều kiện về tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển thủy điện. Với diện tích chưa đầy 400km2, nhưng hiện tại trên địa bàn huyện đã có đến 8 dự án thủy điện (2 dự án đã đưa vào vận hành, 2 dự án đang triển khai thi công và 4 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, đang triển khai các thủ tục để xây dựng). Ngoài ra, còn có dự án thủy điện Đăkđrinh 2, tuy nằm ở Sơn Hà, nhưng phần diện tích ảnh hưởng của Sơn Tây cũng khá lớn, cộng với dự án Đăk Robaye nói trên nữa là 10 dự án.

Với số lượng dự án thủy điện nhiều như thế, sẽ gây tác động rất lớn về sử dụng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với huyện Sơn Tây. Đồng thời, việc triển khai đồng thời nhiều dự án đã tác động đến đời sống người dân, môi trường, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng và an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Mặc dù huyện Sơn Tây ủng hộ chủ trương chung về phát triển thủy điện của tỉnh, tuy nhiên theo lãnh đạo huyện Sơn Tây, việc chia sẻ, hỗ trợ từ các sở, ngành chức năng của tỉnh đối với huyện trong thời gian qua là chưa nhiều. Cụ thể, trong khi huyện phải “gánh” nhiều dự án thủy điện như vậy và phải “gồng mình” xử lý rất nhiều công việc, vấn đề hậu quả của “hậu” thủy điện, nhưng phần ngân sách tỉnh cấp cho huyện vẫn còn khá nhỏ giọt, không đảm bảo phục vụ đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, cũng như hỗ trợ công tác an sinh xã hội đối với người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện.

Thế nên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sơn Tây rất mong lãnh đạo tỉnh, các sở ngành liên quan xem xét ngoài việc phân chia ngân sách theo luật, cần có cơ chế hỗ trợ thêm về ngân sách cho Sơn Tây để huyện có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như chi trả cho công tác an sinh xã hội, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân trong thời gian đến. Riêng với các doanh nghiệp có dự án đầu tư thủy điện trên địa bàn huyện, cần nâng cao trách nhiệm của mình đối với việc hoàn trả lại cơ sở hạ tầng bị xuống cấp do thi công thủy điện và hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân chịu ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện.

PHẠM DANH
 


.