Phao cứu sinh cho ethanol

10:12, 19/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1.1.2018, xăng sinh học E5 sẽ thay thế hoàn toàn xăng  khoáng Ron 92. Đây là cơ hội để các nhà máy sản xuất ethanol trong cả nước hồi sinh, trong đó có Nhà máy ethanol Dung Quất đã “đắp chiếu” hơn hai năm qua. Có thể nói, quy định của Chính phủ bắt buộc phải dùng xăng E5 thay cho xăng Ron 92 như chiếc phao cứu sinh, giúp Nhà máy ethanol Dung Quất có cơ may thoát hiểm sau nhiều năm đi vào ngõ cụt.

TIN LIÊN QUAN

Cách đây hơn 8 năm, vào tháng 9.2009, Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất khởi công bên cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất, làm cho không ít người dân Quảng Ngãi tin tưởng “nền công nghiệp hóa” đã thập thò ngoài hiên nhà mình rồi. Thế nhưng, hệ lụy mà nhà máy này để lại thì không phải một sớm một chiều có thể khắc phục được. Vốn được duyệt là 1.886 tỷ đồng, nhưng khi “nổ máy” vào tháng 2.2012, vốn đã đội lên 2.100 tỷ đồng.

Chưa hết, suốt trong ba năm, nhà máy  phải hoạt động cầm chừng vì thua lỗ triền miên, do giá thành của mỗi lít ethanol mà nhà máy này sản xuất bán ra cao hơn giá thị trường 2.000đồng/lít.  Tháng 5.2015, nhà máy buộc phải ngừng hoạt động hoàn toàn. Trên 200 cán bộ công nhân viên của nhà máy này như gà lạc mẹ! Trong hơn 2 năm qua, dù không sản xuất, nhưng nhà máy vẫn phải chi ra.

Việc quy định bắt buộc phải dùng xăng E5 thay xăng Ron 92 của Chính phủ được xem như một giải pháp để cứu hàng loạt nhà máy sản xuất ethanol-một sản phẩm dùng để pha chế cho ra xăng E5, đã “trùm mền” trong nhiều năm qua, song các nhà máy này đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Lãnh đạo các nhà máy sản xuất ethanol cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đón nhận tin vui vì từ đầu năm 2018 đã có “đầu ra” cho ethanol, song “đầu vào” để sản xuất ethanol thì hầu như được xem là chuyện không quan trọng.

Theo tính toán của các nhà kinh tế, để đảm bảo cho 10 nhà máy sản xuất ethanol hiện tại hoạt động hết công suất, phải cần đến 4,8 triệu tấn mì, trong tổng số 12,65 triệu tấn mà cả nước đạt được trên diện tích 550 ngàn hecta. “Miếng bánh” mì 12,65 triệu tấn này không dành hoàn toàn cho ethanol, mà còn phải san sẻ cho các nhà máy sản xuất tinh bột-mặt hàng đang hot hiện nay và xuất khẩu nữa. Nghĩa là, các nhà máy ethanol phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ khác. Người trồng mì thì luôn chọn ai mua giá cao nhất, chứ không chọn ai “tuyên truyền” hay nhất.

Chẳng hạn như Nhà máy ethanol Dung Quất, công suất 100.000m3 ethanol/năm, buộc phải chen chân với ít nhất là hai nhà máy chế biến tinh bột mì của Công ty Nông sản thực phẩm. Mà công ty này thì họ có quá nhiều kinh nghiệm sau mấy chục năm làm bạn với nông dân, nên không dễ để Nhà máy ethanol Dung Quất chen chân vào. Trong khi đó, diện tích trồng mì thì gần như đã hết, vì phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nhà máy ethanol Dung Quất đã thấy lối ra, song chiếc phao cứu sinh ấy liệu có giúp họ khỏi đuối nước một lần nữa?


TRẦN ĐĂNG
 


.