Đừng để lỡ chuyến tàu

06:12, 10/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- "Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể”- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu mạnh mẽ nhân tham dự khai mạc Hội thảo – Triển lãm quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017", khai mạc ngày 5.12.2017.             
                                

                          
Lâu nay, chúng ta mang tâm trạng khá thụ động khi đón chờ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng mà nói như Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại triển lãm này, “sẽ có những tác động làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất của nền kinh tế các nước, đồng thời vẽ lại bản đồ kinh tế của thế giới”.

Nếu bản đồ kinh tế thế giới sẽ được “vẽ lại”, thì Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong bản đồ ấy?

Sẽ cần nhiều triển lãm và hội thảo như thế nữa, để Việt Nam có thể “tai nghe mắt thấy” về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng rồi, cái quan trọng nhất là Việt Nam đã và sẽ làm những gì để chủ động đón cuộc cách mạng tất yếu xảy ra này, cuộc cách mạng giống như một đoàn tàu băng băng về phía trước? Và khi đoàn tàu ấy dừng trong thời gian rất ngắn ngủi tại “ga Việt Nam” chẳng hạn, thì chúng ta làm sao lên kịp tàu, để không bị bỏ lại khi tàu chuyển bánh?

Tôi nghĩ, đó là cái gì quá lớn lao mà nếu chúng ta không hình dung ra, và không chuẩn bị thật kỹ bằng chính nội lực của mình, bằng sự kết nối thông minh với toàn thế giới của mình, bằng những bước đi cụ thể và có thời hạn để nâng mình lên một tầm cao mới, thì “đoàn tàu 4.0” chưa chắc đã chịu dừng ở “ga Việt Nam”. Lúc bấy giờ, chắc chắn chúng ta sẽ bị bỏ lại sau.

Nếu nói cách mạng luôn là một hình thái cuồng nhiệt, đầy cảm xúc, thì cuộc cách mạng 4.0 này, ngược lại, là cuộc cách mạng rất lạnh lùng, rất máy móc, rất thực dụng và chuẩn xác, không chấp nhận bất cứ sự “lệch pha” nào.

Tôi chưa thấy Quốc hội chúng ta đưa vấn đề “cách mạng công nghiệp 4.0” ra bàn thảo tại Quốc hội, vì đó là chuyện hết sức cần thiết. Trong khi chúng ta lo lắng quá nhiều về những mặt tiêu cực mà cuộc cách mạng công nghiệp này mang lại, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ, đó là nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày... sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, rô-bốt hóa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Đó là chúng ta sẽ dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin. Đó là các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới...

Có thể còn kể thêm nhiều mặt tiêu cực nữa, nhưng những mặt tích cực cơ bản của “cách mạng 4.0”, những mặt tích cực làm nên chính cuộc cách mạng không thể đảo ngược này, thì ít được nhắc đến. Mà đó mới là những mục tiêu để chúng ta phấn đấu đạt tới. Công nghiệp tự động hóa, công nghệ số hóa, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao cho ra sản phẩm an toàn, hiện thực hóa những bản đồ du lịch, “phủ sóng văn hóa” đậm màu sắc dân tộc nhờ công nghệ thông tin, thay đổi giáo dục cho phù hợp với xu hướng tất yếu của thế giới, bảo vệ môi trường một cách thực chất và hữu hiệu... Tất cả những gì mà “cách mạng 4.0” đưa lại, trước hết là làm cho chúng ta sống tích cực hơn, quý trọng thời gian hơn, quý trọng tốc độ tư duy hơn, và sống hữu ích hơn.

Thanh Thảo
 


.