Đào tạo "tiến sĩ hàng loạt"

09:11, 19/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, do sự “bùng nổ” quá mức số lượng các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ), đã dẫn tới tình trạng thiếu cán bộ giảng dạy tại nhiều trường. Do quy định của Bộ GD&ĐT về số lượng giáo viên cơ hữu cho các trường ĐH và CĐ tính theo bằng cấp, nên cần phải có đủ số lượng tiến sĩ (TS) cơ hữu cho một trường ĐH, thì trường ấy mới được công nhận “đủ chất lượng”.

Chính “rào cản bằng cấp” này đã khiến nhiều trường lúng túng. Vì thế, Nhà nước chủ trương Đề án 911 đào tạo 20.000 TS cung ứng cho các trường ĐH và CĐ, nghe ra rất hợp lý về mặt số lượng. Nhưng ngược lại, khá tù mù về mặt chất lượng.

Từ Đề án 911, đã dẫn tới nhiều Viện nghiên cứu trước đó có số lượng nghiên cứu sinh (NCS) rất khiêm tốn, đột ngột tăng vọt số lượng NCS và hàng loạt TS đã “ra lò” từ những trung tâm đào tạo này, theo một kiểu “nhanh không thể tin được”. Rất nhiều NCS sau khi có văn bàng TS đã trở thành... gánh nặng cho các trường ĐH và các trung tâm nghiên cứu, vì họ dạy không xong, mà nghiên cứu cũng không được. Nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội, sự “lạm phát TS” từ các “lò đào tạo” rất tù mù về chất lượng đã khiến cả xã hội mất lòng tin vào những văn bằng này.

Trong khi một số vị PGS-TS từ một số trường ĐH kêu ca vì sự cắt giảm tài chính cho Đề án 911, thì chính xã hội lại than phiền rất nhiều về chất lượng, chứ không phải số lượng các TS được đào tạo trong thời gian gần đây. Nên nhớ, với các trường ĐH và các trung tâm nghiên cứu, thì chất lượng cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu là quan trọng nhất, chứ không phải văn bằng của họ. Càng không phải số lượng TS.              

Chính vì nhu cầu bức xúc cần phải có văn bằng TS với bất cứ giá nào, đã nảy sinh ra chuyện kiếm văn bằng TS từ một số trường ĐH ở nước ngoài mà danh xưng cũng như thực chất đều tù mù ngay với nước sở tại. Một số văn bằng được gọi là “dỏm” đó đã không được chính Bộ GD&ĐT công nhận, dù Bộ này chưa bao giờ đưa ra được một danh sách những “trường ĐH ngoại quốc đáng ngờ” nào trong việc cấp văn bằng TS. Nếu có một danh sách như thế (không phải không truy tìm ra được), thì sẽ hạn chế rất nhiều những văn bằng TS thiếu chất lượng, và cũng đỡ tốn tiền bạc và công sức cho nhiều người, vì muốn kiếm một văn bằng TS theo kiểu “tàu nhanh”.

Với những quốc gia có nền giáo dục ĐH hàng đầu thế giới, thì việc phân loại xếp hạng các trường ĐH luôn diễn ra hằng năm, và hoàn toàn nghiêm túc, chứ không phải theo kiểu “xếp hạng ĐH” vừa rồi đã xảy ra ở Việt Nam, khiến bao nhiêu trường ĐH dở khóc, dở cười. Vì những trường “hàng hiệu”, trường thực chất có chất lượng cao thì bị xếp... thấp, trong khi nhiều trường điểm thi đầu vào rất thấp lại được xếp cao. Dù đây là kết quả xếp hạng do một tổ chức tư nhân tiến hành, vẫn tạo ra một sự lộn xộn đáng buồn ở môi trường ĐH Việt Nam.

Trở lại với vấn đề đào tạo TS. Sau khi Đề án 911 bị “bể”, thì Bộ GD&ĐT lại đưa ra dự thảo Đề án đào tạo 9000 TS, với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, lại tiếp tục gây bức xúc xã hội và khó khăn cho Nhà nước. Trong khi chủ trương tự chủ ĐH, thì việc đào tạo TS phải để cho từng trường ĐH tự làm theo khả năng và yêu cầu của họ. Nếu họ hạ thấp chất lượng đào tạo TS, trường họ sẽ bị “hạ điểm”, và chính trường họ sẽ phải chịu thiệt hại. Còn nếu họ đào tạo được những TS có chất lượng cao, vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu đạt hiệu quả tốt, thì trường họ sẽ có thương hiệu, có tên tuổi, và trong mắt thí sinh thi ĐH, những trường ấy sẽ là sự lựa chọn hàng đầu. Như thế, quyết định chất lượng ĐH vẫn là ở chất lượng cán bộ giảng dạy, chất lượng TS hay thạc sĩ, chứ không phải ở số lượng.


THANH THẢO
 


.