Chuyện tế nhị ở vùng lũ

02:11, 22/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn nửa tháng qua, kể từ sau trận lũ lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 12 gây ra, hàng chục đoàn cứu trợ đã về thăm và tặng quà cho đồng bào các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành -những nơi bị nước lũ gây ngập nặng nhất. Chung quanh việc “lá lành đùm lá rách” này cũng đã xuất hiện nhiều chuyện khá “tế nhị”, cần nêu ra để mọi người tham khảo và chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN


Quảng Ngãi là địa phương vẫn thường xảy ra các trận bão lũ hằng năm, nên chuyện tiếp nhận hàng cứu trợ của đồng bào cả nước cũng không hề xa lạ.

Liền sau các trận bão, hoặc lũ là lập tức có ngay đoàn cứu trợ, nhất là các đoàn thuộc một số tỉnh phía Nam, đến vùng bị thiên tai để chia sẻ khó khăn với bà con. Trong các đoàn ấy lại xuất hiện nhiều cách tiếp cận với vùng lũ khác nhau. Nếu là đại diện cho chính quyền các tỉnh thì họ đến Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh -nơi trực tiếp nhận tiền hoặc hàng cứu trợ; còn nếu là các tổ chức từ thiện hoặc cá nhân, thì họ đến thẳng vùng lũ chứ không thông qua các cấp chính quyền.

Lại cũng có đoàn đến cứu trợ, họ chỉ đến và báo cho chính quyền biết là họ có mặt, rồi họ tự phân phát cho dân. Vì đủ các hình thức và cách tiếp cận với vùng lũ khác nhau, số quà cũng không giống nhau, nên những chuyện “tế nhị” đã xuất hiện.

Mới năm ngoái đây thôi, trên mạng xã hội xuất hiện một clip nói về việc chính quyền của một xã thuộc huyện Sơn Hà đã “làm khó” với đoàn cứu trợ. Thoạt xem thì rất dễ bất bình với cách hành xử của chính quyền, song tìm hiểu kỹ thì hoàn toàn không hẳn đúng với những gì xuất hiện trong clip. Chính quyền họ không đồng ý với cách cứu trợ của đoàn là vì, đoàn đã tự ý đến phân phát hàng mà không tham khảo ý kiến chính quyền.

Nếu tham khảo ý kiến thì, chính quyền sẽ tư vấn cho đoàn đến chỗ khác vì vùng đó đã được cứu trợ nhiều rồi, trong khi nhiều nơi khác không có. Không ít đoàn cứu trợ họ huy động bạn bè thân hữu được một ít hàng hóa và tiền, nhưng khi về vùng thiên tai lại không chịu khó để đến những nơi xa mà thường chọn chỗ gần nhất để “trút hàng” cho xong rồi về. Trên danh nghĩa, số quà ấy cũng đã đến với đồng bào vùng lũ, nhưng địa chỉ cần thì không đến được; trái lại, những chỗ thuận lợi cho việc đi lại thì đoàn nào cũng về.  Chính quyền hẳn là không muốn “ôm việc”, song họ là người đại diện cho dân, phải có trách nhiệm hướng dẫn các đoàn về địa chỉ nào cần nhất. Chỗ này, các đoàn cứu trợ cũng nên chia sẻ với chính quyền địa phương, chứ không nên trách là tại sao đi phát quà mà bị gây khó dễ.

Một chuyện tế nhị khác. Đó là chuyện phân phối hàng và tiền cứu trợ. Như đã nói, nhiều đoàn chỉ nhờ chính quyền lên danh sách, chứ họ không nói cụ thể là mỗi suất quà là bao nhiêu tiền. Vì vậy, cùng trong một buổi phát quà mà đoàn thì tặng mỗi suất 2 triệu đồng, còn đoàn thì chỉ tặng một thùng mì tôm! Thế là người dân nào chỉ nhận mì tôm, họ quay sang trách chính quyền là thiếu công bằng. Bắt tội chính quyền trong chuyện này là oan cho họ vậy.

Những chuyện “tế nhị” ở vùng bão lũ như vừa kể vẫn thường xảy ra hằng năm. Trách cứ chính quyền cũng vì thế mà tăng lên sau mỗi lần có đoàn cứu trợ. Vì vậy, rất cần sự cảm thông và chia sẻ của người dân chung quanh câu chuyện này.


 TRẦN ĐĂNG
 


.