Ban Nội chính Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Quảng Ngãi

08:11, 04/11/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 3.11, Đoàn khảo sát của Ban Nội chính TƯ do ông Thái Anh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Ban Nội chính TƯ làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy để khảo sát việc bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên. Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh; lãnh đạo các Ban, đảng của Tỉnh ủy và các sở, ngành có liên quan đã tiếp và làm việc với Đoàn có

TIN LIÊN QUAN

 
Theo báo cáo, từ năm 2012 đến ngày 30.9.2017, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận 3.214 đơn thư phản ánh, tố giác, tố cáo biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.  Thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh đã thụ lý, giải quyết 302 vụ tố cáo. Trong số vụ việc đã được giải quyết có một vài vụ việc người giải quyết, người xác minh để lộ thông tin người tố cáo. Ngoài ra, có một vài trường hợp người tố cáo tự công khai thông tin của mình. 
 
Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức để lộ thông tin người tố cáo chỉ dừng ở mức kiểm điểm rút kinh nghiệm do việc để lộ thông tin không phải là lỗi cố ý, cũng chưa gây ra hậu quả, phần lớn do cấp trên phát hiện nhắc nhở chứ không phải do người tố cáo phát hiện và yêu cầu xử lý. Trên địa bàn tỉnh thời gian qua các cơ quan chức năng, các cấp ủy, chính quyền các cấp chưa ghi nhận được trường hợp nào người tố giác, tố cáo phản ánh bị trả thù, trù dập. Không có trường hợp nào người phản ánh, tố giác, tố cáo rút đơn do họ không được bảo vệ, đe dọa.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh phát biểu tại buỗi làm việc
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh phát biểu tại buỗi làm việc
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất ý kiến về việc bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác, tố cáo trong các quy định hiện hành của Đảng cần sửa đổi, bổ sung. Trong đó, cần có quy định cụ thể về các chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ người phản ánh, tố cáo, tố giác; về những giá trị vật chất như trả thưởng và tinh thần là vinh danh, khen thưởng  nhằm khuyến khích người dân phản ánh, tố giác, tố cáo. 
 
Quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cơ quan chủ trì, trình tự thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết yêu cầu bảo vệ người phản ánh, tố cáo, tố giác. Sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, tố giác, tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng theo hướng cụ thể hơn về tiêu chí xác định thẩm quyền thụ lý giải quyết giữa Ủy ban kiểm tra của Đảng với Thủ trưởng cơ quan hành chính cung cấp đối với tố cáo cán bộ, công chức là đảng viên thuộc diện quản lý của cấp ủy cùng cấp tương tự như phân công xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức hiện hành. 
 
Đồng thời, Đảng cần ban hành 1 văn bản chuyên biệt để lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.
 
Thay mặt Đoàn khảo sát, ông Thái Anh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật, Ban Nội chính TƯ ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của tỉnh Quảng Ngãi trong việc xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ đảng viên. Trên cơ sở này Đoàn sẽ tổng hợp các nội dung này để trình Tổ biên tập Đề án nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung cho việc xây dựng nội dung Đề án cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
 
N.Đức
 

.