Chuyện đi... họp

04:09, 24/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây hơn chục năm, mỗi khi xem clip tấu hài “Họp” của hai nghệ sĩ hài tài danh Phạm Bằng và Văn Hiệp phát trên ti-vi, tôi đều không nhịn được cười. Nhớ mãi câu thoại “Kính thưa kính gửi kính mời/ Trong ba kính ấy ông xơi kính nào/...” và câu hát điệp khúc: “Đời chúng ta đâu có họp là ta cứ đi/ Tì ti ti...”.

Cứ nghĩ họp cũng là chuyện vui vui nhẹ nhõm vậy thôi. Nào ngờ... Khi gặp được nhiều quan chức và cán bộ từ phường tới tỉnh chuyên phải đi... họp, nghe họ than vãn chuyện họp hành triền miên, mà than với gương mặt nhiều đau khổ thật sự, tôi mới vỡ ra: Họp không hẳn là vui và hài hước như hai nghệ sĩ hài tài danh thể hiện.

Lại chợt nhớ đến bài thơ nổi tiếng “Những người loạn họp” của thi hào Nga-xô viết Vladimir Maiakopski, bài thơ đã được Lê-Nin rất khen, có đoạn khá... kinh dị này: “Tôi xông đến hội trường/ Và tôi thấy/ Toàn nửa người ngồi đấy/ Những nửa người kia đâu?... Tôi hô hoán cuống cuồng/ Tôi rụng rời trước cảnh tượng kinh hồn/ Nhưng tiếng ai/ Nghe vô cùng bình thản:/ "Một ngày/ Chúng tôi/ Họp hai chục bận/ Họ phải đi hai cuộc họp một lần/ Biết tính sao đành cắt đôi thân/ Ở đây một nửa tới ngang hông/ Còn nửa kia/ Đi họp hành nơi khác” (Bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến).

Thơ châm biếm cỡ này là đã “đi tới bến”. Cứ tưởng đó là thực trạng những năm đầu của chính quyền xô-viết, ngờ đâu sau đúng một thế kỷ, chuyện họp hành “marathon” ở Việt Nam vẫn chưa chấm dứt. Đừng nghĩ chỉ cán bộ đi họp thì cán bộ mệt, người dân còn mệt mỏi nhiều lần hơn, vì khi có việc phải chầu chực ở cơ quan công quyền rất nhiều lần mà không gặp được cán bộ chuyên trách, chỉ vì những cán bộ này phải đi... họp.

Ai cũng kêu, nhưng rồi ai cũng phải... họp. Vậy có cách gì giảm bớt số lượng các cuộc họp, giảm bớt cường độ họp mà công việc vẫn chạy?

Xin hiến mấy cách này, quý vị xem thế nào nhé:

1) Nếu có việc cần xử lý ở “hiện trường”, thì tốt nhất cấp trên không triệu tập cấp dưới họp ở phòng họp lớn, mà cấp trên trực tiếp xuống “hiện trường”, mời cấp dưới cùng đi và họp ngay tại “đầu bờ”, thống nhất giải quyết vấn đề ngay tại chỗ. Như thế, đỡ ít nhất là ba cuộc họp. “Ba trong một” như thế vừa tiết kiệm thời gian, công sức cán bộ, mà việc lại được giải quyết rốt ráo.

2) Trong lịch công tác hằng tuần, cần có cán bộ phụ trách rà soát xem có những cuộc họp nào mà nội dung có những điểm trùng nhau, có thể ghép lại, để giảm bớt số lượng các cuộc họp. Có những cuộc họp nào mà thành phần chủ chốt chỉ “chốt” lại chừng ấy, thì đừng mở rộng thêm, để cán bộ có thì giờ làm việc, giải quyết công chuyện cho dân nhờ.

3)  Bây giờ có phong trào “họp trực tuyến” để trung ương chủ trì trực tiếp, và các địa phương trao đổi thảo luận và tiếp nhận. Tuy nhiên, ở cấp tỉnh hay cấp thành phố thì khó có chuyện “họp trực tuyến” như vậy. Mặc dù vậy, có cách “truyền thống” hơn, mà vẫn tiết kiệm được thời gian: Lãnh đạo cần làm việc hay kiểm tra địa phương nào đó thì về thẳng địa bàn mà... họp. Chỉ trong một  buổi đã có thể “chốt” được vấn đề cần bàn. Sau đó chỉ là thực hiện. Lãnh đạo càng năng động thường xuyên xuống cơ sở, tới với người dân, thì việc khó mấy cũng có hướng giải quyết.

Xin trình lên mấy đề xuất nho nhỏ như vậy, mục đích cũng chỉ là để giảm... họp, mà chạy việc.

THANH THẢO
 


.